Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa kết luận về những vấn đề liên quan tới hoạt động thỉnh vong, giải oan gia trái chủ tại chùa Ba Vàng không đúng nghi lễ Phật giáo truyền thống; tạm đình chỉ tất cả chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam và buộc phải sám hối Đại tăng đối với đại đức trụ trì chùa Ba Vàng. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đã xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng đối với bà Phạm Thị Yến theo quy định tại Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP.
UBND TP Uông Bí cho biết đã đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra các dấu hiệu tội phạm. Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan điều tra có thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tin báo để tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm xác định có yếu tố tội phạm hay không. Nếu như cơ quan điều tra đã xác minh và quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bà Yến cùng đại đức trụ trì chùa Ba Vàng với vai trò là bị can, lúc đó chúng ta mới có thể xem xét đến tội mà những người này có thể phạm phải.
Việc phạt vi phạm hành chính ban đầu đối với bà Phạm Thị Yến là hành động kịp thời và đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền. Theo quy định tại khoản 1 Điều 320 Bộ luật Hình sự, “Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Như vậy, việc xử lý vi phạm hành chính thực chất là tiền đề để cơ quan chức năng có thể khởi tố sau khi đã tiến hành các hoạt động điều tra cụ thể. Theo quy định tại khoản 2 Điều 320 Bộ luật Hình sự, nếu trường hợp cơ quan điều tra chứng minh được thêm rằng bà Yến thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng trở lên, thì bà Yến có thể phải đối mặt với hình phạt tù từ 3 - 10 năm.
Đại đức trụ trì chùa Ba Vàng phải chịu các mức phạt do Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quyết định là do vi phạm Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Vị trụ trì này chịu sự quản lý của giáo hội, do đó, việc xử lý vi phạm trước tiên phải dựa trên các văn bản nội bộ của giáo hội, cụ thể là hiến chương.
Ngoài ra, với vai trò là một công dân, những hành vi vi phạm của vị trụ trì này có thể bị điều tra, khởi tố hình sự, nếu cơ quan điều tra chứng minh được các yếu tố của tội phạm.