Kết quả của 38 cuộc nghiên cứu được thực hiện trong 5 năm qua của nhóm các nhà nghiên cứu từ nhiều tổ chức của Trung Quốc đã xác định chế độ ăn của người phương Tây là một yếu tố dẫn tới nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer ở các trường hợp bệnh nhẹ đến trung bình.
Trong bài viết vừa đăng trên tạp chí Frontiers in Neuroscience, các nhà nghiên cứu cho rằng, chế độ ăn của người phương Tây chứa nhiều chất béo bão hòa, đường và muối có thể khiến cơ thể chúng ta bị căng thẳng thêm, điều này bằng cách nào đó khiến chúng ta dễ mắc chứng mất trí nhớ hơn.
Các nhà khoa học cho rằng, thay đổi chế độ ăn uống có thể là một cách để giảm nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác, đồng thời hạn chế tác hại của nó đối với khả năng nhận thức của chúng ta.
Theo đó, chế độ ăn Địa Trung Hải, chế độ ăn keto và chế độ ăn bổ sung axit béo omega-3 với men vi sinh dường như có tác dụng bảo vệ chống lại căn bệnh này, nhưng chỉ trong những trường hợp từ nhẹ đến trung bình.
Chế độ ăn Địa Trung Hải có nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau và hải sản, trong khi chế độ ăn ketogen là một phương pháp ăn uống rất đặc biệt, nhiều chất béo, ít carbohydrate. Nhưng các nhà nghiên cứu cũng lưu ý, chế độ ăn keto không phải là không có rủi ro về sức khỏe tổng thể và nên được sử dụng với sự tư vấn của bác sĩ.
Cho đến nay, vẫn chưa có cách chữa bệnh Alzheimer và các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu thêm về những gì làm tăng hoặc giảm nguy cơ phát triển bệnh này. Chứng mất trí nhớ được cho là ảnh hưởng đến hơn 50 triệu người trên toàn thế giới tính đến năm 2020 và con số này đang tăng lên đều đặn.