Điểm sáng từ lúa gạo
Đồng Tháp chọn 5 sản phẩm thế mạnh để thực hiện tái cơ cấu và mang lại kết quả tích cực. Cụ thể, ở ngành hàng lúa gạo, diện tích lúa canh tác của tỉnh mỗi năm khoảng 530.000ha, sản lượng trên 3 triệu tấn. Sau triển khai đề án tái cơ cấu, ngành lúa gạo của tỉnh đã đạt nhiều thành tựu đáng kể. Chất lượng lúa gạo có sự thay đổi lớn nhờ vào việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa. Tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao tăng từ 47,4% năm 2013 lên 49,9% năm 2016 và 62% năm 2020. Nhiều địa phương trong tỉnh tăng cường đổi mới phương thức canh tác theo hướng bền vững và giảm chi phí. Ngoài 70 mô hình với diện tích 140ha canh tác theo phương thức “3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm”, tỉnh đã nhân rộng lên hơn 24.000ha. Qua đó, lợi nhuận của nông dân tăng khá mạnh. Nhờ chuyển 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ lúa/năm mà đất không bị khai thác quá mức dẫn đến thoái hóa, cạn kiệt dinh dưỡng.
Đặc biệt, Đồng Tháp tập trung phát triển chế biến sâu các sản phẩm sau gạo mang lại giá trị gia tăng cao. Nếu chế biến sâu của ngành lúa gạo chung cả nước phần lớn theo công nghệ đơn giản, phục vụ tiêu thụ trong nước, thì Đồng Tháp đã có chính sách thu hút đầu tư như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với dự án chế biến gạo, sản phẩm sau gạo... Đến nay, có 4 doanh nghiệp (DN) lớn sản xuất trên 10 chủng loại sản phẩm chế biến sau gạo, cùng trên 400 cơ sở sản xuất bột gạo các loại, phát triển làng nghề bột; 26 cơ sở sản xuất củi trấu và 3 dự án đầu tư chiết xuất dầu cám. Với các dòng sản phẩm chế biến sâu, giá trị tăng thêm so với gạo khá cao (gấp 2-4 lần) như ống hút gạo xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Hàng năm, sản lượng lúa của tỉnh đạt khoảng 3,3 triệu tấn, cho ra khoảng 300.000 tấn cám. Đây không chỉ là nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, thủy sản… mà còn là nguyên liệu cho các dự án trích ly dầu gạo từ cám. Bình quân 18kg cám trích ly được 1kg dầu gạo thành phẩm. Nếu tận dụng toàn bộ hơn 300.000 tấn cám gạo mỗi năm sẽ trích ly được gần 16,6 triệu lít dầu gạo. Hiện, tỉnh đã có 3 dự án đầu tư chiết xuất dầu cám.
Viên nén trấu là sản phẩm được tận dụng từ trấu sau quá trình xay xát lúa gạo; ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như làm chất đốt, chăn nuôi - lót chuồng, được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Giá viên nén trấu ở Đồng Tháp trên 1.000 đồng/kg, cao hơn 2-3 lần so với trấu nguyên liệu. Ngoài ra, rơm rạ, tro trấu cũng được ủ làm phân hữu cơ cho ngành hoa kiểng giúp hình thành mối quan hệ trong kinh tế tuần hoàn giữa các ngành hàng với nhau…
Hướng đi bền vững
Ở ĐBSCL, Đồng Tháp là một trong những tỉnh có diện tích trồng xoài lớn nhất, với hơn 11.400ha. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, Đồng Tháp mạnh dạn chuyển đổi 7.557ha lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, trong đó có xoài. Nhờ đó, diện tích xoài trồng của tỉnh năm 2020 đạt gần 12.200ha. Trước đây, xoài chủ yếu tiêu thụ nội địa qua kênh truyền thống (chợ, thương lái thu mua, bán buôn, bán lẻ…). Những năm gần đây xoài còn tiêu thụ ở các kênh hiện đại như siêu thị, cửa hàng đặc sản tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM hoặc bán trực tiếp cho người tiêu dùng qua mạng với mô hình “cây xoài nhà tôi”. Song song đó, tỉnh phát triển chế biến đa dạng các sản phẩm từ xoài. Điển hình như Công ty TNHH công nghệ thực phẩm Việt Đức, Công ty TNHH Kim Nhung đầu tư và thử nghiệm máy sấy xoài… từ đó gia tăng giá trị cho trái xoài.
Ngành hoa kiểng đã trở thành ngành chủ lực của nông nghiệp Đồng Tháp không chỉ về hiệu quả kinh tế, mà còn là hình ảnh để thu hút khách du lịch. Diện tích hoa kiểng của tỉnh năm 2020 đạt 2.427ha, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2013. Giá trị sản xuất từ hoa kiểng ngày càng tăng trong ngành trồng trọt, từ 3,8% năm 2013 lên 5,5% năm 2015 và 13% năm 2020. Hiệu quả sản xuất của người trồng hoa khá cao, lợi nhuận trên 1ha đất trồng hoa cúc mâm xôi lên đến 187 triệu đồng, gấp nhiều lần so với trồng lúa. Đồng Tháp đã hình thành vùng chuyên canh hoa lớn nhất vùng ĐBSCL trên cơ sở phát huy những yếu tố của làng hoa truyền thống với yếu tố nông nghiệp hiện đại như nông nghiệp du lịch, nông nghiệp trải nghiệm.
Lâu nay, cá tra là thế mạnh của Đồng Tháp và tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn tại các huyện Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Châu Thành, Cao Lãnh. Đồng Tháp đã cấp mã số nhận diện vùng nuôi với gần 100% diện tích nuôi cá tra thương phẩm; trong đó, 60% diện tích thả nuôi cá tra đạt chuẩn quốc tế. Quy hoạch phát triển các vùng sản xuất cá tra theo mô hình vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu. Chuỗi liên kết, hợp tác cá tra đã phát triển tương đối bài bản và khép kín. Toàn tỉnh hiện có 2 HTX, 1 tổ hợp tác và 1 Hội quán hoạt động sản xuất, dịch vụ phục vụ ngành hàng cá tra; 20 DN nuôi cá tra xuất khẩu. Các hộ nuôi đều có hợp đồng liên kết hoặc gia công cho DN chế biến trên địa bàn tỉnh theo hình thức trực tiếp hoặc thông qua HTX, tổ hợp tác...
Đến nay, các sản phẩm cá tra của tỉnh xuất khẩu sang 134 quốc gia từ châu Á, Trung Đông, Trung Quốc đến châu Âu, Hoa Kỳ. Ngoài ra, thị trường trong nước cũng được quan tâm và đẩy mạnh. Phía Công ty CP Vĩnh Hoàn đã giới thiệu gần 20 sản phẩm chế biến từ cá tra và basa hướng đến phục vụ thị trường trong nước như: basa tẩm bột, chả lụa, sốt tartar, chabokki sốt cay, basa xẻ bướm tẩm gia vị...
Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiện đại
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa khẳng định, đề án tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 đã có thay đổi tích cực trên nhiều lĩnh vực; tăng trưởng nông nghiệp được giữ vững, cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng gắn kết với thị trưởng tiêu thụ thông qua việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác liên kết gắn với mô hình sản xuất tiêu chuẩn GAP; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Đồng Tháp; thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng nông thôn; đẩy mạnh khâu chế biến nhằm gia tăng giá trị của các loại nông sản.
Tới đây, Đồng Tháp tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp phù hợp với tình hình mới. Ông Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, 5 năm tới, ĐBSCL sẽ hoàn chỉnh xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông tạo thuận lợi thu hút đầu tư. Ngoài ra, ĐBSCL hướng đến phát triển bền vững với thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch và chiến lược chung của địa phương. Vì vậy, Đồng Tháp bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức. Đồng Tháp sẽ đổi mới mạnh mẽ tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, chuyển từ tăng trưởng trên số lượng sang tăng trưởng trên chất lượng, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp theo chiều sâu và bảo vệ môi trường. Nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản thông qua tích hợp các giá trị kinh tế, xã hội, môi trường, phát triển chế biến sâu.
Có thể nói, khi tỉnh đầu tư mạnh cho khâu chế biến phát triển thì việc xuất khẩu cá tra được cải thiện đáng kể; việc quản lý chất lượng hàng xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Hầu hết các DN chế biến xuất khẩu cá tra đều áp dụng chương trình quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế như HACCP, BRC, Global Gap, IFS, ASC và chứng chỉ BAP (Best Aquaculture Practice) theo yêu cầu của từng thị trường. Cơ cấu sản phẩm đã thay đổi, tăng số lượng sản phẩm giá trị gia tăng (chả giò, bọc bột, ốp rau củ, cá viên); phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng (collagen, genlatin, Ranee, da cá sấy) và sử dụng phụ phẩm cá tra chế biến thức ăn gia súc. Ngoài ra, các phụ phẩm, chất thải từ nhà máy chế biến cá tra được sử dụng sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp (cây ăn trái, hoa màu…). |