Sau 6 năm đèn sách ở trường Y, năm 2004, Adam Kay chính thức đứng vào hàng ngũ bác sĩ của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh. Từ xuất phát điểm là một bác sĩ nội trú kiêm quản lý hồ sơ cho bệnh viện công ở London, đến khi trở thành bác sĩ chuyên khoa nhi và sức khoẻ sinh sản, anh đã chứng minh được tài năng và có nhiều đóng góp trong việc khám và cứu chữa bệnh nhân, đặc biệt có cả các ca cấp cứu hiếm gặp.
Những dòng nhật ký viết vội sau giờ làm của Adam Kay xuất phát từ mục đích ghi chép “kinh nghiệm làm nghề” đã trở thành tiền đề cho cuốn sách Chạy trời không khỏi đau, được tác giả cho ra mắt vào năm 2017 và gây được nhiều tiếng vang.
Làm việc 97 giờ một tuần đến kiệt sức, thường trực đối diện với hiểm nguy, luôn phải đưa ra những quyết định sinh tử… Đó chỉ là một phần sự thật về nghề bác sĩ. Adam Kay đã không né tránh khi kể lại những trải nghiệm chua chát của anh khi trở thành một bác sĩ trẻ qua lăng kính hài hước và có phần châm biếm: phải đương đầu với các ca bệnh đặc biệt nguy hiểm hoặc kỳ lạ đến khó tin, cáng đáng số lượng bệnh nhân ùn ùn kéo đến khiến dịch vụ y tế công quá tải, những ca trực trắng đêm, những giờ làm thêm không lương với hàng núi việc, bị “nhấn chìm” giữa sự hỗn loạn của các ca cấp cứu với những tiếng kêu gào, máu và dịch cơ thể.
Thế nhưng, những gì các bác sĩ nhận được lại là “Tiền lương được đánh đổi bằng một dạng suy sụp tinh thần nào đó, suy thận tiềm ẩn do uống không đủ nước, ăn mấy cú đấm giận dữ từ người nhà của bệnh nhân hay ủi xe vào gốc cây ven đường vì thiếu ngủ sau một ca trực đêm”.
Trong những năm tháng hành nghề, Adam Kay đã gặp hàng nghìn ca bệnh, đòi hỏi ở người thầy thuốc không chỉ kiến thức uyên bác, tay nghề chuyên môn cao, mà nhiều hơn cả là “tinh thần thép”, sự kiên nhẫn và thấu hiểu, cùng sự hy sinh vì người bệnh đến quên mình.
Từ những bệnh nhân nghiện rượu, nghiện ma tuý “lắm chiêu trò” và bướng bỉnh, những ca mắc kẹt dị vật trong cơ thể hài hước đến khó tin... đến những ca phẫu thuật tử cung, mổ đa thai, cứu sảy thai nguy kịch…
Có những buổi trực đêm Adam Kay phải thực hiện 5 ca mổ liên tiếp, làm việc trong tình trạng căng thẳng liên tục nhưng không có chế độ nghỉ ngơi. Adam Kay gọi vui rằng bác sĩ là người “phá hỏng chuyện làm ăn của Thần Chết”. Bởi không hiếm những bệnh nhân ngô nghê trong việc bảo vệ sức khoẻ sinh sản của bản thân, tự đẩy mình vào những tình huống bi hài, liều lĩnh với tính mạng, xem thường lời khuyên của y sĩ hay tự nghĩ ra các phương pháp chữa bệnh kỳ cục đến khó hiểu.
Nỗi buồn lớn nhất của một bác sĩ, theo Adam Kay, là khi phải bất lực chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân, “Điều buồn nhất là máu luôn ngừng chảy khi cuối cùng nó không còn chảy được nữa”. Sau tất cả những áp lực và khó khăn chồng chất, niềm vui lấp lánh xuất hiện khi họ cứu sống được một sinh mạng, hay đỡ đầu cho một sinh linh bé nhỏ cất tiếng khóc chào đời.
Adam Kay đã mất nhiều năm để quyết định xuất bản cuốn sách này. Những chuyện “vừa buồn cười, vừa rơi nước mắt” của người làm nghề Y được Adam Kay kể lại bằng giọng điệu hài hước xen lẫn đắng cay nhưng đó không phải là lời than vãn hay kể khổ cho nghề bác sĩ. Tác phẩm đã nhận được sự đồng cảm sâu sắc của bạn đọc, giúp người đọc thêm thấu hiểu, tôn trọng và tôn vinh nghề bác sĩ.
“Tôi đã nói sự thật với các em học sinh: những ca trực khắc nghiệt, mức lương thấp tè, điều kiện làm việc tệ lậu; các em không được đánh giá đúng khả năng, không được hỗ trợ, ít được tôn trọng, những mối nguy hiểm đe dọa sức khoẻ và tính mạng luôn rình rập xung quanh. Nhưng trên thế gian này, chẳng có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y đâu”, Adam Kay chia sẻ.
Câu chuyện về cuộc sống thật của các bác sĩ, những nỗ lực phi thường của họ trước vô vàn nghịch cảnh, sự hy sinh dành cho nghề nghiệp, lý tưởng sống cống hiến và vì mọi người, ước mơ được làm một điều gì đó tốt đẹp cho cuộc sống... trong Chạy trời không khỏi đau có giá trị truyền cảm hứng lớn lao dành cho người đọc, dù họ đang làm việc trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Đặc biệt, trước đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu, Adam Kay bằng kinh nghiệm nghề nghiệp ứng phó trước nhiều tình huống y tế khẩn cấp, đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích trên các phương tiện truyền thông giúp người dân tự bảo vệ sức khỏe của mình.