Khi mọi vất vả được nhìn qua lăng kính hài hước
Xuyên suốt 10 chương của tác phẩm, người đọc được đồng hành cùng Adam Kay trên hành trình từ một bác sĩ nội trú trở thành bác sĩ thực tập chuyên khoa cao cấp. Và cuốn sách về y học mở ra vô vàn câu chuyện tưởng chừng khó tin nhưng hoàn toàn có thật, xảy ra mỗi ngày tại các bệnh viện.
Đáng ngạc nhiên là dù căng thẳng đến đâu, hầu hết mọi việc đều được soi chiếu qua lăng kính hài hước, khiến người xem “đau ruột” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!
Độc giả cũng sẽ phải bật cười khi Adam tự hỏi, liệu mình có nên mặc nguyên bộ đồ bác sĩ hậu phẫu thuật để đi dự… tiệc Halloween tối đó hay không… Lời kể hóm hỉnh, duyên dáng của chàng bác sĩ trẻ người Anh khiến chúng ta không khỏi bật cười.
“Đau ruột” và cũng không khỏi… xót lòng
Hiếm có cuốn sách nào có thể khiến bạn vừa “đau ruột” vì cười đã lập tức xót lòng vì thương cảm, thậm chí nghẹn lòng vì đau đớn như cuốn nhật ký của bác sĩ trẻ này.
The Scotsman - một tờ báo của Scotland đã dành tặng tác phẩm lời khen ngợi khi khẳng định, cuốn sách sẽ “khiến bạn nước mắt vòng quanh nhưng rồi cũng lại... sặc cả trà nóng”.
Giữa những mẩu chuyện đời thường về một công việc tưởng chừng bình dị như bao người khác, bức tranh chân thực về cuộc sống của các bác sĩ nội trú hiện ra rõ nét và đầy khắc nghiệt.
Họ phải làm việc 12 giờ mỗi ngày, thậm chí hơn, việc trực đêm đã trở thành hiển nhiên và thậm chí khi Adam vừa chợp mắt vì quá mệt, anh lập tức bị lay dậy. Các bác sĩ phải dậy từ 3 giờ sáng để kê thuốc ngủ cho bệnh nhân, bởi vì tôn chỉ “giấc ngủ của bệnh nhân quan trọng hơn giấc ngủ của bác sĩ”.
Là một bác sĩ sản khoa, Adam thú nhận, não bộ của anh luôn phải căng như dây đàn và tất nhiên cuộc sống riêng tư cũng không cân bằng.
H - người yêu của anh thường xuyên bị cho “leo cây”, bị ví như… “góa phụ y khoa” vì bạn trai thường xuyên vắng mặt. Những tiếng “bíp bíp” báo hiệu tình trạng khẩn cấp xen vào mọi khoảnh khắc dù là riêng tư nhất trong đời sống cá nhân: những buổi hẹn hò, những lần gặp gỡ tư vấn tình cảm cho bạn bè, người thân…
Thậm chí, ngay cả khi chính Adam bị ngộ độc thực phẩm, anh cũng rất khó khăn mới có thể xin nghỉ việc và cuối cùng phải đổi ca trực đêm với một bác sĩ khác. Trong ngày sinh nhật mình, khi Adam xin được nghỉ phép, nữ hộ sinh chỉ trả lời đơn giản nhưng đủ khiến ta xót lòng: “Bác sĩ mà nghỉ phép sao được?”.
Đồng nghiệp của anh cũng hy sinh rất nhiều để cống hiến trọn vẹn cho nghề y. Đa số mối quan hệ của họ đổ vỡ sau khoảng 1 năm. Mọi dịp lễ, Tết, bác sĩ đều ở trong viện, hầu như chẳng có một nhu cầu giải trí nào cho riêng mình, dù chỉ là bình dị nhất như xem phim, ăn tối nhà hàng... Mỗi tối, họ đều phải dằn vặt vì không thể ru con ngủ mà chỉ có thể gọi điện về nhưng thường xuyên hơn cả là quên cả cuộc gọi vì khu sản rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Mệt mỏi, căng thẳng, hy sinh cả đời sống cá nhân của mình nhưng các bác sĩ như Adam Kay vẫn dành trọn tình yêu cho công việc. Khi cô em gái anh thông báo đã đỗ vào trường y, với tính hài hước quen thuộc, Adam gửi cho em mình bức ảnh tươi rói của anh trong màu áo blouse trắng, như một lời động viên, anh cẩn thận cắt bỏ phần dưới của chiếc áo choàng còn vết máu.
Lấp lánh ánh sáng nhân văn, không thiếu đi những điểm xuyết hài hước, kể câu chuyện bình thường nhưng rất đỗi phi thường, Chạy trời không khỏi đau đã mang về cho Adam Kay thành công: Trở thành cuốn sách bán chạy nhất tại Anh với hàng triệu bản in; được dịch ra 33 thứ tiếng và giành 4 giải thưởng National Book Awards trong đó có Book of the year (Cuốn sách của năm). Tác phẩm cũng sẽ được chuyển thể thành vở hài kịch để lan toả rộng hơn nữa giá trị đến với cộng đồng.
Nhưng tất nhiên, vượt lên trên những giá trị vật chất, tác phẩm ấy mang đúng tinh thần mà những y bác sĩ muốn truyền tải: Cứu rỗi những linh hồn và đem tiếng cười đến cho mọi người.