Vận hành suôn sẻ
Lộ trình đoàn tàu xuất phát từ ga Suối Tiên đi trên cao qua 14 nhà ga, xuyên hầm qua 3 ga ngầm với điểm cuối tại ga Bến Thành, rồi quay trở lại điểm xuất phát. Sau 3 lần chạy thử nghiệm trong ngày, đoàn tàu vận hành suôn sẻ, không gặp bất cứ trở ngại nào.
Đến chờ để được trải nghiệm tại nhà ga ngầm Trung tâm Bến Thành, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TPHCM Hà Ngọc Trường cho biết, đây là lần thứ 3 ông được đi trên đoàn tàu này. Đây cũng là lần đầu tiên ông đi xuống đoạn ngầm, cảm giác thoải mái, an toàn. Cùng có mặt trên chuyến đi, anh Hoàng Mạnh Trung, nhân viên Phòng Điều hành và Nhân sự dọc tuyến, Công ty Hitachi, cho biết: “Chúng tôi tham gia chuyến chạy thử nghiệm để tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia trên đoàn tàu về nhiều vấn đề như độ sáng của đèn, nhiệt độ, độ xóc, rung của tàu… Tất cả những ý kiến đó, chúng tôi sẽ lưu lại để cải thiện trong những buổi chạy tiếp theo”.
Bên ngoài dọc tuyến tàu chạy rất đông người dân ngắm nhìn và chụp ảnh đoàn tàu metro lần đầu chạy toàn tuyến. Anh Trần Quốc Hoàng (ngụ quận Bình Thạnh) cùng người nhà tỏ vẻ phấn khích khi muốn ghi lại những hình ảnh sớm và đẹp nhất của đoàn tàu metro đầu tiên chạy ngang qua nhà. Mới 9 giờ sáng, tức là còn khoảng 2 giờ nữa đoàn tàu khởi hành, nhưng các thành viên trong gia đình đã lên sân thượng ngôi nhà đứng “canh” đoàn tàu để chụp ảnh.
Vận hành thương mại: phải chờ!
Tuyến metro số 1 TPHCM gồm 17 đoàn tàu, mỗi đoàn có 3 toa, dài 61,5m, có thể chở 930 khách, trong đó 147 khách ngồi và 783 khách đứng. Theo thiết kế, đoạn trên cao có tốc độ tối đa 110km/giờ, đoạn ngầm là 80km/giờ. Tuyến metro số 1 dài 19,7km với tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Công trình có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Toàn dự án có 17 đoàn tàu với 51 toa đã được nhập khẩu từ Nhật Bản.
Tàu metro đang chạy thử nghiệm tuyến Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Trả lời báo chí sau đợt chạy thử nghiệm, Phó Trưởng Ban phụ trách MAUR Nguyễn Quốc Hiển cho biết, đây là sự kiện đánh dấu thêm một cột mốc mới trong quá trình triển khai dự án, tròn một năm kể từ ngày MAUR chạy thử đoàn tàu metro đầu tiên trong phạm vi depot Long Bình. Từ đầu năm 2023 đến nay, MAUR cùng các đơn vị tư vấn và các nhà thầu đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ trong công tác triển khai dự án, vừa tiến hành các bước thử nghiệm, vừa thi công lắp đặt thiết bị hệ thống còn lại như cung cấp điện, viễn thông; tín hiệu, tiếp điện trên cao, thông gió đường hầm… cho toàn tuyến đường sắt đô thị.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hiển, việc thử nghiệm được chia thành nhiều giai đoạn, từ thử nghiệm tĩnh, thử nghiệm động, thử nghiệm giao diện, thử nghiệm tích hợp… Việc thử nghiệm đoạn trong hầm cũng là đoạn khó khăn nhất, vì các nhà thầu vừa thi công, vừa thử nghiệm trong điều kiện đường hầm chật hẹp, không gian nhỏ; ánh sáng, thông gió, thông tin, liên lạc không được thuận lợi như đoạn trên cao. Ở trong hầm, việc tích hợp các hệ thống nhiều hơn, phức tạp hơn vì ngoài hệ thống của đoàn tàu thì còn có hệ thống chiếu sáng, hệ thống thông gió, hệ thống làm mát. Hệ thống PCCC, cứu nạn cứu hộ, các thiết bị an ninh, an toàn trong đường hầm cũng rất đa dạng. Từ nay đến cuối năm 2023, MAUR sẽ cùng đơn vị tư vấn NJPT và các nhà thầu Nhật Bản tiếp tục đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành cơ bản công tác thi công, sau đó chuyển sang giai đoạn chạy thử và khai thác thử làm cơ sở cho việc đánh giá an toàn hệ thống. Bên cạnh đó, MAUR sẽ phối hợp Công ty TNHH Đường sắt đô thị số 1 và các nhà thầu, tư vấn để tiến hành đào tạo về công tác vận hành, công tác bảo trì.
Vận hành suôn sẻ, vậy khi nào dự án sẽ đưa vào vận hành thương mại? Đại diện MAUR cho biết: để đưa vào khai thác thương mại phải đảm bảo đầy đủ quy trình thủ tục. Quan trọng nhất hiện nay là dự án chưa được Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng nghiệm thu; đơn vị tư vấn độc lập chưa cấp chứng nhận an toàn hệ thống; công tác đào tạo nhân sự phục vụ công tác vận hành thương mại chưa đảm bảo.
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận chuyển hơn 16 triệu lượt khách
Ngày 29-8, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, sau gần hai năm hoạt động, tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội cũng như của cả nước, vẫn đảm bảo vận hành an toàn. Tổng lượng hành khách đã vận chuyển đến ngày 28-8 đạt hơn 16,3 triệu lượt. Trung bình mỗi ngày, tuyến đường sắt phục vụ khoảng 30.000 lượt hành khách đi lại, trong đó 47% là những người đi làm, 45% là những người đi học và 8% là những người đi lại với mục đích khác. Đây là kết quả nằm trong kịch bản tốt nhất về vận hành tuyến hai năm đầu đã được thống nhất giữa Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội.
BÍCH QUYÊN