Chạy theo sầu riêng, dân ồ ạt phá bỏ cây cao su

Cây sầu riêng mang lại giá trị kinh tế cao, khiến nhiều người dân ở huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) ồ ạt chặt phá cây cao su để trồng loại cây này. Chính quyền khuyến cáo và khẳng định cây cao su vẫn là cây chủ lực của địa phương.

Chạy theo sầu riêng, dân ồ ạt phá bỏ cây cao su

Hàng trăm hecta cây cao su bị thanh lý

Xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) là một trong những địa phương có diện tích cây cao su lớn nhất tỉnh Phú Yên (1.687ha). Đây cũng là nơi được đánh giá là có tiềm năng, lợi thế để phát triển cây sầu riêng. Vài năm trở lại đây, nhiều người dân ở xã miền núi của tỉnh Phú Yên giàu lên nhờ cây sầu riêng, trong khi đó giá cao su liên tục bấp bênh và đây là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều người dân quyết định thanh lý loại cây từng được mệnh danh là “vàng trắng” để trồng sầu riêng.

z5623568965564_ea3e82fdbaa5a61a2e6b94ac7047b8f9.jpg
Người dân ở xã Ea Bar ồ ạt thanh lý cây cao su

Theo thống kê của UBND xã Ea Bar, trong vòng 3 tháng trở lại đây, có hơn 200ha cây cao su bị thanh lý. Anh Hoàng Anh Tuấn, một người thu mua cây cao su thôn Eamkeng, cho biết: “Chúng tôi mua thanh lý cây cao su để bán cho thị trường các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... Tùy vào tuổi của cây cao su mà giá trị thanh lý đạt từ 60 - 220 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, vẫn có tính trạng nhiều người chạy theo phong trào thanh lý cây cao su để trồng cây sầu riêng”.

Điều đáng nói là UBND huyện Sông Hinh vẫn xem cây cao su là cây trồng chủ lực giúp người dân cải thiện đời sống, phát triển kinh tế. Đồng thời, giao chỉ tiêu cho xã Ea Bar phát triển thêm diện tích gần 400ha trong năm 2024. Đến thời điểm này, có thể khẳng định mục tiêu ấy không thể hoàn thành, khi diện tích cây cao su bị thanh lý rất lớn.

z5623559114718_40f087071f11c781dc0afb1ada8e04c9.jpg
Cán bộ địa phương khảo sát, nắm bắt tình hình cây cao su bị thanh lý

“Dù giá mủ không cao, nhưng cây cao su vẫn mang lại những lợi ích cho người dân tại xã Ea Bar. Tuy nhiên, trong thời gian qua, người dân có nhu cầu chuyển đổi cây trồng sang cây sầu riêng, đồng thời thanh lý diện tích cây cao su lớn tuổi không còn cho năng suất, để thay thế các loại cây có giá trị kinh tế. Chúng tôi biết việc này, nhưng chủ yếu là nắm bắt thông tin, tuyên truyền cho người dân lựa chọn loại cây trồng phù hợp, chứ không không có phương án ngăn cản người dân, vì đó là quyền chọn lựa của họ”, ông Hoàng Đức Kiên, Chủ tịch UBND xã Ea Bar cho biết.

Doanh nghiệp kêu khó, chính quyền khuyến cáo

Trên địa bàn huyện Sông Hinh hiện có 3 cơ sở thu mua và chế biến mủ cao su gồm: Công ty TNHH Phúc Đặng Gia, Công ty TNHH Cao su Việt Hùng và cơ sở thu mua Cao Phú. Các cơ sở này thu mua và tiêu thụ hết toàn bộ sản lượng mủ cao su trên địa bàn huyện Sông Hinh. Tuy nhiên, trong thời gian gây đây, khi diện tích cây cao su bị thanh lý hàng loạt, các cơ sở này gặp khó trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

z5623296011784_af51c484d4b3c4606b7e0e26beaa612d.jpg
Diện tích cây cao su bị giảm đáng kể, khiến doanh nghiệp thu mua, chế biến mủ gặp khó khăn

Bà Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Đặng Gia, cho biết: “Đầu năm 2024 đến nay, chúng tôi chỉ thu được 16 tấn mủ nước/ngày. Công suất nhà máy chỉ hoạt động được 25%. Để duy trì, chúng tôi buộc phải thu mua mủ ở các tỉnh lân cận như Gia Lai, Đắk Lắk, phát sinh các chi phí vận chuyển khác, khiến cho hiệu quả hoạt động không cao. Điều này nằm ngoài kế hoạch ban đầu khi chúng tôi quyết định đầu tư tại Phú Yên. Thời điểm 2012, vùng quy hoạch trồng cây cao su của tỉnh Phú Yên là 12.000ha ở 2 huyện Sông Hinh và Sơn Hòa. Trong bối cảnh diện tích cây cao su tiếp tục bị suy giảm như hiện nay, doanh nghiệp chúng tôi rất khó khăn trong hoạt động”.

z5623559132629_706d583e3774704209f0f1dd5c79f756.jpg
Gốc cây cao su mới bị thanh lý tại huyện Sông Hinh

“Chúng tôi mong rằng chính quyền địa phương cần có những giải pháp mạnh mẽ để giữ vùng nguyên liệu, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đồng thời hạn chế rủi ro cho người dân trong thời gian tới”, bà Nhung nói thêm.

z5623559142138_2ddad65ba96c021e0c049145f0e3fbfe.jpg
Nhiều người vội vàng chặt bỏ cây cao su để chuyển đổi cây trồng

Trao đổi với báo chí, ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, khẳng định: “Huyện Sông Hinh vẫn xem cao su là cây chủ lực của địa phương. Đến năm 2030, toàn huyện phấn đấu đấu đạt diện tích diện tích 4.500ha. Một số vùng người dân vẫn trồng mới cây cao su. Đây vẫn là cây xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi cũng ghi nhận hiện tượng thanh lý ồ ạt cây cao su vì trong thời gian qua giá mủ thấp và nhiều hộ dân chạy theo phong trào trồng cây sầu riêng có giá trị kinh tế cao. Chúng tôi khuyến cáo người dân không vội vàng thanh lý cây cao su, đồng thời sẽ chỉ đạo các xã có diện tích cây cao su cần có định hướng cho người dân trong thời gian tới".

Tin cùng chuyên mục