Nhìn rừng cháy mà đau lòng !
Theo các lực lượng chức năng, đám cháy bùng phát vào sáng 3-6, sau đó cháy lan rộng ra 2 hướng, tạo thành 2 đám cháy lớn: hướng Tây (phía núi Trảng) và hướng Đông Bắc (núi Chóp Vung). Khu vực xảy ra đám cháy nằm ở địa hình núi cao, dốc đá dựng đứng rất khó tiếp cận để dập lửa.
Ngay khi phát hiện vụ cháy, Chi cục Kiểm lâm Bình Định huy động khoảng 100 người tham gia dập lửa từ chiều 3-6. Đến 21 giờ cùng ngày, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Nam Trung Bộ (Bộ Công an, đóng tại phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn, Bình Định) huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ chia làm 2 mũi hỗ trợ dập lửa.
Tại hiện trường, Trung tá Nguyễn Anh Quân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Nam Trung Bộ cho biết, từ đêm 3-6, đơn vị huy động 300 cảnh sát cùng phương tiện, thiết bị để tham gia chữa cháy.
“Do địa hình phức tạp, đồi núi dốc đá cao nên trước mắt chúng tôi cử các trinh sát khảo sát hiện trường, sau đó mới triển khai lực lượng. Nhiều đoạn dốc đá cao chúng tôi huy động dây neo để băng qua, tiếp cận hiện trường", ông Quân nói và cho biết thêm, để đảm bảo an toàn, đơn vị này chữa cháy theo từng tổ đội, cứ 10 cảnh sát có 1 chỉ huy và thường xuyên nắm bắt quân số để báo cáo.
Cũng theo Trung tá Quân, do vụ cháy giữa khu rừng trồng bạch đàn, cây bụi rậm kèm theo thời tiết nắng nóng gắt, gió thổi mạnh, khô hanh nên việc chữa cháy rất khó khăn.
“Thời điểm lửa bùng lên dữ dội, trời nóng bức kèm theo gió và khói, lửa cháy tràn lan nên chúng tôi chỉ chữa cháy bằng phương pháp làm ranh cản lửa từ xa. Ranh cản lửa cách 50m, có thời điểm chúng tôi chỉ biết đứng nhìn rừng cháy trong 2 giờ đồng hồ mà đau lòng!”, ông Quân kể.
Nỗ lực bám rừng, không cho lửa cháy trở lại
Theo lời kể của Trung tá Quân, đến khoảng 1 giờ sáng 4-6, 100 cảnh sát cơ động đã khống chế được đám cháy ở núi Trảng và tiếp tục dập tàn đến 5 giờ sáng thì rút quân về điểm tập kết.
Đến sáng 4-6, 200 cảnh sát cơ động ở mũi khác tiếp tục hỗ trợ các lực lượng khống chế lửa ở đám cháy hướng núi Chóp Vung.
Sáng 4-6, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cùng Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã có mặt tại hiện trường, chỉ đạo các lực lượng chức năng cần nỗ lực khống chế, dập tắt hoàn toàn vụ cháy. Ông Tuấn giao lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh cần bám trực hiện trường chỉ đạo phương án dập lửa hiệu quả, an toàn...
Đến khoảng 11 giờ, lực lượng chữa cháy đã khống chế được lửa lớn, đang dập tàn, theo dõi không cho lửa bùng phát lại.
Trao đổi nhanh với PV Báo SGGP, ông Bùi Tấn Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết, đang trực tiếp có mặt ở khu vực núi xảy ra đám cháy để chỉ đạo chữa cháy. Theo ông Thành, hiện các lực lượng đã khống chế được lửa lớn, đang duy trì quân số để theo dõi, dập tàn không cho lửa bùng phát trở lại.
“Hiện nắng nóng rất gay gắt, nguy cơ lửa bùng phát trở lại rất cao. Vì vậy, chúng tôi duy trì lực lượng 100 người ở lại để tiếp tục theo dõi, dập tàn không cho đám cháy bùng phát trở lại”, ông Thanh thông tin.
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc, nguyên nhân vụ cháy có thể do có người vào rừng đi đốt ong gây ra. Tuy nhiên, hiện các lực lượng chức năng vẫn đang tập trung dập lửa và sẽ thống kê thiệt hại, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy để xử lý theo quy định.
Qua thống kê sơ bộ, có khoảng 18ha rừng trồng kèm cây bụi (chủ yếu bạch đàn) bị thiêu cháy.
>>>Một số hình ảnh tại hiện trường trong đêm 3-6: