Kết quả này một lần nữa khẳng định vai trò của người dân trong phòng cháy chữa cháy (PCCC) là rất lớn. Cấp ủy, chính quyền các cấp; đặc biệt là cảnh sát PCCC đã, đang và sẽ tập trung dồn sức để phát huy tốt vai trò của người dân trong PCCC; xem đây là giải pháp trọng tâm, trọng điểm để ngăn chặn cháy nổ xảy ra.
Cảnh sát PCCC phổ biến kiến thức PCCC cho người lao động tại một khu trọ trên địa bàn TPHCM
Ngăn kịp thời những hậu quả khôn lường
Lúc 18 giờ 2 phút ngày 13-8 tại siêu thị Điện máy Chợ Lớn (phường 11, quận 5, TPHCM) bất ngờ xảy ra cháy. Do bên trong siêu thị có nhiều hàng hóa, vật liệu dễ cháy nên lửa nhanh chóng bùng phát. Phát hiện có cháy, ban quản lý siêu thị mở chuông báo động để khách hàng đang mua sắm trong siêu thị kịp thoát ra ngoài. Cùng lúc, lực lượng chữa cháy tại chỗ gồm bảo vệ, công nhân viên của siêu thị và người dân sống lân cận sử dụng bình khí CO2 tích cực chữa cháy, đồng thời di chuyển bớt hàng hóa ra ngoài. 10 phút sau khi xảy ra cháy, 30 cán bộ - chiến sĩ cùng 6 xe chữa cháy của Cảnh sát PCCC quận 8 đã có mặt hiện trường. Lúc này, lực lượng tại chỗ cũng đã khống chế được đám cháy.
Đó là một trong số hàng trăm vụ cháy được người dân, lực lượng tại chỗ xử lý, dập tắt kịp thời trong thời gian qua. Đánh giá về vụ cháy, Thượng tá Trần Lương Anh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận 8, cho rằng nếu lực lượng tại chỗ không kịp thời dập tắt đám cháy, hậu quả về người và tài sản sẽ rất khôn lường vì thời điểm xảy ra cháy, trong siêu thị chứa nhiều hàng hóa và đông người dân đến mua sắm. “Trong vụ cháy này, lực lượng tại chỗ đã phát hiện sớm, báo cháy đến tổng đài 114 nhanh; phương án chữa cháy, tổ chức cho khách thoát nạn hợp lý. Điều này cho thấy, người dân và bảo vệ của siêu thị đã ý thức tốt về sự nguy hiểm của cháy nổ; nắm rõ được các kỹ năng chữa cháy, thoát nạn… nên đã ứng phó, xử lý hiệu quả với sự cố cháy xảy ra”, Thượng tá Trần Lương Anh nói.
Đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC quận 8 cũng khẳng định, vai trò của người dân, lực lượng tại chỗ là hết sức quan trọng trong chữa cháy. Một đám cháy được lực lượng này khống chế, dập tắt ngay từ đầu thì gần như đã cứu được 80% thiệt hại về người và tài sản.
Trong chữa cháy là vậy. Trong phòng cháy, nếu vai trò của người dân, lực lượng tại chỗ được phát huy thì hiệu quả trong công tác PCCC còn mang lại gấp nhiều lần. Thực tế cho thấy, địa phương, đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp nào làm tốt công tác phòng cháy thì ở đó cháy nổ ít xảy ra. Trường hợp có sự cố xảy ra, hậu quả để lại cũng không nghiêm trọng.
Khu phố 4, phường Bình Trị Đông (quận Bình Tân) từng mang tên “Khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao”. Thế nhưng 3 năm qua, tại khu phố này đã không xảy ra sự cố cháy nổ nào. Các căn nhà xập xệ có tường mái kết dính vào nhau, nay được cải tạo, nâng cấp; hệ thống dây điện cũ kỹ, bong tróc vỏ, câu mắc chằng chịt trong các hẻm nhỏ được thay mới, bó gọn. Bên trong các cơ sở làm nghề truyền thống bánh bò, chủ cơ sở không còn sử dụng bếp lò khè; trong mỗi căn nhà, người dân còn tự trang bị bình CO2… Theo Thượng tá Đàm Đức Hiện, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân, có được kết quả này là nhờ cả hệ thống chính trị, từ UBND, công an địa phương, cảnh sát PCCC đến các đoàn thể hội phụ nữ, đoàn thanh niên trên địa bàn quận đã vào cuộc thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền để người dân “thấm”, chuyển biến tích cực trong ý thức, không để vi phạm, tồn tại PCCC xảy ra.
Tích cực thực hiện phong trào “Toàn dân PCCC”
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM, cho biết trong công tác PCCC, từ việc tổ chức, triển khai các giải pháp phòng đến phương án chống, chiến đấu với “giặc lửa”, Cảnh sát PCCC cũng như các cấp chính quyền luôn xem người dân, lực lượng tại chỗ là yếu tố quan trọng. Điều này được cụ thể hóa thông qua các hoạt động trong phong trào “Toàn dân PCCC” và thực hiện phương châm “4 tại chỗ” là những hoạt động điển hình. Tại các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh - sản xuất - dịch vụ, xí nghiệp, cụm - khu công nghiệp… trên địa bàn thành phố, Cảnh sát PCCC đã và đang phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan chủ quản các đơn vị xây dựng lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, vật tư - hậu cần tại chỗ.
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TPHCM, tới đây, Cảnh sát PCCC TP phối hợp với các quận huyện xây dựng, thực hiện mô hình “Khu phố an toàn”: khu phố không tồn tại các vi phạm, tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ và không xảy ra cháy nổ. Qua đó, nâng cao trách nhiệm, ý thức cũng như sự chủ động thực hiện tốt các quy định về PCCC, nâng cao khả năng ứng phó, xử lý các sự cố, tai nạn cháy nổ của người dân. “Để người dân ý thức tốt, trước hết cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng các cấp phải làm tốt vai trò lãnh đạo, tuyên truyền, tổ chức thực hiện. Trong đó, người đứng đầu mỗi đơn vị, cán bộ chuyên ngành phải làm tốt nhiệm vụ, gương mẫu trong chấp hành các quy định về PCCC”, Đại tá Lê Tấn Bửu nói.
Mở rộng hình thức tuyên truyền PCCC
Để phong trào “Toàn dân PCCC” được nâng cao hiệu quả, ngoài công tác thường xuyên là thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, tới đây Cảnh sát PCCC TPHCM sẽ tập trung mở rộng các hình thức tuyên truyền PCCC đến người dân, cơ sở như: tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về kiến thức pháp luật PCCC; định kỳ hàng tháng, cán bộ PCCC sẽ tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về tình hình cháy nổ và các giải pháp PCCC tại địa bàn; tăng số lượng diễn tập chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại các cơ sở, xí nghiệp, khu dân cư, đơn vị có nguy cơ cháy nổ cao… Các hoạt động này hướng đến việc: tất cả người dân, từ người lớn đến trẻ em, học sinh đều nắm được phương thức PCCC, phòng cháy tốt và có thể sử dụng thiết bị chữa cháy, biết cách thoát nạn an toàn khi cháy nổ xảy ra.
Để phong trào “Toàn dân PCCC” được nâng cao hiệu quả, ngoài công tác thường xuyên là thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, tới đây Cảnh sát PCCC TPHCM sẽ tập trung mở rộng các hình thức tuyên truyền PCCC đến người dân, cơ sở như: tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về kiến thức pháp luật PCCC; định kỳ hàng tháng, cán bộ PCCC sẽ tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về tình hình cháy nổ và các giải pháp PCCC tại địa bàn; tăng số lượng diễn tập chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại các cơ sở, xí nghiệp, khu dân cư, đơn vị có nguy cơ cháy nổ cao… Các hoạt động này hướng đến việc: tất cả người dân, từ người lớn đến trẻ em, học sinh đều nắm được phương thức PCCC, phòng cháy tốt và có thể sử dụng thiết bị chữa cháy, biết cách thoát nạn an toàn khi cháy nổ xảy ra.