"Chảy máu" chất xám cơ quan nhà nước - Bài 3: “Cầm máu” cách nào?

Trước thực trạng “chảy máu” chất xám ở khu vực công, nhiều cán bộ quản lý, chuyên gia cho rằng, cách “cầm máu” hữu hiệu nhất là cải cách tiền lương, đảm bảo lương đủ sống để làm việc và nuôi gia đình; môi trường làm việc cần được cải thiện.

Cần sự công bằng ở môi trường làm việc

Về cách ngăn dòng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, ông Huỳnh Việt Hùng, Trưởng Phòng Nội vụ quận 8, cho biết, quận đang tập trung thực hiện nhiều phần việc, trong đó có việc nâng cao ý thức, trách nhiệm người đứng đầu.

Cụ thể, cán bộ chủ chốt, cán bộ chuyên trách (bí thư, phó bí thư cấp ủy; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND - UBND…) phải gương mẫu, rõ ràng, công khai, minh bạch, xây dựng tinh thần đoàn kết, cống hiến nhiều hơn trong công việc. Làm tốt các yếu tố này sẽ hạn chế, ngăn chặn được tình trạng nhóm lợi ích phát sinh, không để bất mãn, mất đoàn kết, nản việc xảy ra trong đơn vị…

Tại huyện Bình Chánh, theo Trưởng Phòng Nội vụ huyện Bình Chánh Dương Thị Uyên Chi, Huyện ủy, UBND huyện liên tục rà soát, đánh giá lại thực tế công việc của cán bộ, qua đó sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ hợp lý. Đồng thời, lãnh đạo huyện cũng thường xuyên đi cơ sở để tiếp xúc, lắng nghe đề đạt, ý kiến của cán bộ. Hiện nay, nhiều xã “nóng” về trật xây dựng, có địa bàn phức tạp được huyện tăng cường nhân sự từ những xã khác qua để giảm áp lực, giảm tải. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp trước mắt, “về lâu dài, huyện đã có tờ trình gửi thành phố để kiến nghị Trung ương sớm có quyết định công nhận chuyển Bình Chánh từ huyện loại 2 lên huyện loại 1 để có bộ máy, nhân sự hợp lý với thực tế”, bà Dương Thị Uyên Chi nói.

"Chảy máu" chất xám cơ quan nhà nước - Bài 3: “Cầm máu” cách nào? ảnh 1 Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư thăm hỏi, động viên đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương (quận 5, TPHCM)
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh khẳng định, Sở Tư pháp đã và tiếp tục có nhiều nỗ lực giữ công chức của mình. Cụ thể, sở ưu tiên trong đào tạo (lãnh đạo các phòng sẽ choàng gánh công việc khi chuyên viên phòng đi học); phân công công việc chú ý đến khả năng, tính cách và chuyên môn sở trường của cán bộ...

Cùng đó, sở tạo môi trường làm việc gần gũi, thân thiện và không khí vui vẻ. Sở cũng bố trí, sử dụng hiệu quả nhiều trường hợp từ chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của TPHCM. Các công chức này được đào tạo từ nước ngoài, có năng lực khá, ngoại ngữ rất tốt, vì yêu thích công việc, môi trường làm việc của Sở Tư pháp mà gắn bó mặc dù nếu ra ngoài làm việc, lương có thể cao gấp nhiều lần. Nếu chỉ lấy “lương” mà đọ, chắc chắn cơ quan nhà nước sẽ bất lợi.

Theo Tiến sĩ Phạm Thị Ly (Đại học Quốc gia TPHCM), những chính sách khích lệ về tiền lương, nhà ở, chi phí đi lại... nhằm thu hút người có trình độ cao là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng, quan trọng nhất vẫn là môi trường làm việc: cần quản trị minh bạch, công bằng, văn minh; tinh gọn thủ tục, giấy tờ; tăng tính phản biện, trao đổi giữa đồng cấp, giữa cấp trên với cấp dưới... Bà Phạm Thị Ly cho rằng, chính những điều kiện về môi trường làm việc mới tạo ra tính bền vững của việc giữ chân đội ngũ tại chỗ và thu hút người tài.

Tăng thu nhập

Tiến sĩ Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng, muốn giáo dục phát triển bền vững, thầy cô giáo yên tâm bám nghề, nhất là với những cán bộ quản lý, giáo viên giỏi, cần phải có chế độ, chính sách tiền lương hợp lý, thỏa đáng cho họ.

Trên toàn địa bàn TPHCM, từ ngày 1-4, thành phố chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ không chuyên trách ở cấp phường - xã - thị trấn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Thời gian tăng thu nhập theo lộ trình từ ngày 1-4-2018 đến ngày 31-12-2020.

Cụ thể, năm 2018 tăng tối đa là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ; năm 2019 sẽ tăng thu nhập tối đa 1,2 lần và năm 2020 tăng tối đa 1,8 lần. Tổng số tiền phục vụ tăng thu nhập trong năm 2018 là 2.340 tỷ đồng.

UBND TPHCM khẳng định, thành phố quyết định trả mức thu nhập phù hợp cho cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở năng suất, hiệu quả lao động trong khả năng và phạm vi cân đối nguồn cải cách tiền lương của thành phố. Cách làm này nhằm đảm bảo tương xứng với năng suất lao động, khuyến khích, tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức của thành phố đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc, qua đó nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân. 

Bàn về vấn đề này, theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, thời gian vừa qua không riêng gì ngành giáo dục mà trong nhiều lĩnh vực khác, thu nhập công chức, viên chức luôn bị giới hạn bởi những quy định theo thứ tự, bậc khung. Với giáo viên dạy giỏi cũng vậy, đáng ra thu thập phải tương ứng, nhưng thực tế vẫn bị bó buộc bởi quy định chung. Một số giáo viên đã chuyển ra trường tư dạy nhằm có thu nhập tốt hơn.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, đây là một điều đáng buồn nhưng cũng không vì thế mà cho rằng đó là hành vi không đúng theo nghề giáo. Cần chấp nhận để tạo điều kiện cho sự cạnh tranh công bằng giữa trường công và trường tư. Đồng thời, thành phố cần tiếp tục có những cách làm mới để trả lương, thu nhập xứng đáng cho thầy cô giáo có chuyên môn cao.

Tại quận 8, ông Huỳnh Việt Hùng cho hay, quận đang nghiên cứu, cho áp dụng hình thức khoán kinh phí hoạt động trong một số đơn vị; cho cán bộ chuyên trách kiêm nhiệm thêm chức danh bán chuyên trách…, những biện pháp này nhằm cải thiện thêm thu nhập cho cán bộ, nâng cao hiệu quả công việc. 

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng Nguyễn Đăng Sơn cho rằng, việc trả lương cần đảm bảo cho công chức, viên chức sống được bằng lương. Chỉ có khi đó, hầu hết cán bộ, công chức mới toàn tâm toàn ý cho công việc, lo phục vụ dân tốt hơn, không còn phải “chân trong chân ngoài”.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh - Học viện Cán bộ TPHCM: Phải cải cách chính sách tiền lương

Hiện nay có hiện tượng đáng lo ngại là một lực lượng lao động không nhỏ trong các khu vực công đã rời bỏ để sang khu vực tư; nhất là các lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn nghiệp vụ cao (như ngành y tế, sư phạm), các chuyên gia trên các lĩnh vực quản lý (như kinh tế, đô thị, khoa học kỹ thuật, công nghệ...). Đặc biệt là đội ngũ bác sĩ tại các bệnh viện công hiện nay chuyển sang bệnh viện tư rất lớn. Nếu hiện tượng này tiếp tục, không có giải pháp để xem xét một cách thấu đáo thì sẽ tiếp tục “chảy máu” chất xám, lãng phí tài nguyên, nhất là nguồn vốn đầu tư khổng lồ của Nhà nước để đào tạo nhân lực.
Chúng ta cần nhìn vấn đề này một cách khách quan. Nguyên tắc của thị trường lao động là “thóc đến đâu, bồ câu đến đấy”, “nước chảy về chỗ trũng”. Vì thế, người lao động, kể cả lao động có chuyên môn nghề nghiệp cao, có quyền lựa chọn nơi để lao động với chế độ đãi ngộ phù hợp. Nói đơn giản thì đãi ngộ đó phải xứng đáng với sức lao động của người lao động. Chúng ta không nên trách người lao động bỏ Nhà nước ra làm tư nhân. Họ có quyền lựa chọn nơi lao động của mình. Độ tuổi lao động có hạn, họ muốn trong thời gian còn sung sức, cống hiến được nhiều thì đem sức lao động đến nơi nào được đãi ngộ bằng đồng lương khả dĩ bù đắp lại sức lao động đã cống hiến. Chưa kể, họ còn phải lo cho gia đình và tích lũy nhiều thứ khi về hưu, lúc tuổi già. Đây là điều pháp luật không cấm.
Bên cạnh đó, cần nhìn nhận rằng, chính sách tiền lương của chúng ta đã lạc hậu, phải cải cách. Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã bàn vấn đề này: Lương phải đúng với vị trí việc làm, trên cơ sở mô tả vị trí việc làm đến đâu thì ta sử dụng nhân lực tương xứng đến đấy. Lương bây giờ phải là tiền. Tiền đó chính là giá trị hàng hóa sức lao động mà người công chức cống hiến cho đất nước và nhân dân, được trả lương một cách xứng đáng từ ngân sách - tức là tiền thuế của người dân. Từ đó, người công chức mới toàn tâm toàn ý phục vụ cho công vụ, cho nhiệm vụ. Còn hiện nay, lương chỉ có thể đáp ứng khoảng 70% tiêu dùng của người ăn lương hàng tháng thì làm sao họ yên tâm? Và con số này là định tính, chứ không phải ai cũng có mức lương đảm bảo được 70% tiêu dùng. Nếu không cải cách tiền lương thì không còn động lực để người ta làm việc công. 
Ở các nước phát triển, người ta rất xem trọng nhân lực khu vực công, bởi đó là tinh hoa của đất nước, rường cột của chế độ. Chính các công chức là hình ảnh của chính quyền, là năng lực quản trị đất nước, là biểu tượng hấp dẫn của nền chính trị. Nói thẳng là người công chức, viên chức ở nước ta chưa đạt được vị thế đó. Lý do là ta quá đông nhưng không mạnh. Ít tinh hoa, ít người xuất chúng, vì vậy có sự cào bằng về chế độ đãi ngộ. 
Việt Nam là một trong những nước dành ngân sách trả lương rất cao (70% ngân sách), trong khi các nước Asean cao nhất chỉ 20%, các nước phát triển trên thế giới cao nhất 10%; nhưng do Việt Nam có hàng triệu người ăn lương là công chức, là cán bộ nên tỷ suất đồng lương cho từng người quá thấp… 
Cuối cùng, tôi cho rằng, nên khuyến khích người trung bình, người yếu kém rời khỏi khu vực công, có biện pháp thanh lọc về mặt tổ chức (sát hạch, thi tuyển, đánh giá khách quan), để mỗi năm chúng ta đưa ra khỏi đội ngũ công chức ăn lương 10% trở lên như nghị quyết của Đảng; từ đó, thị trường lao động sàng lọc chỉ còn lại những tinh hoa, những người xuất chúng nằm trong khu vực công. Nếu họ làm đúng vị trí việc làm như mô tả thì cho họ hưởng mức lương cao, để họ có thể sống sung túc, thậm chí là khá giả, tích lũy cho bản thân và gia đình từ lương. Khi đó, khả năng “chảy máu” chất xám từ khu vực công ra khu vực tư mới được ngăn chặn, đẩy lùi. Đây là điều căn cơ lâu dài.
ÁI CHÂN ghi

Tin cùng chuyên mục