"Chảy máu" chất xám cơ quan nhà nước - Bài 2: Công chức cũng… tăng ca

Nhiều cơ quan, đơn vị đang đối diện với khó khăn kép: thiếu nhân sự bổ sung trong khi nguồn nhân lực hiện tại vẫn tiếp tục “chảy máu”. Áp lực công việc dồn lên những người còn lại. Nên, một vòng luẩn quẩn có nguy cơ diễn ra…
Người dân làm thủ tục tại Sở Tư pháp TPHCM. Ảnh: KIỀU PHONG
Người dân làm thủ tục tại Sở Tư pháp TPHCM. Ảnh: KIỀU PHONG

Áp lực tăng thêm

Gần 19 giờ ngày 26-9, một số phòng làm việc của Sở Tư pháp TPHCM vẫn sáng đèn. Trong phòng, các lãnh đạo, chuyên viên của phòng vẫn miệt mài đọc văn bản, giải quyết hồ sơ. Trong 6 tháng đầu năm 2018, khối lượng công việc của Sở Tư pháp tăng đều ở các bộ phận, trong đó hồ sơ lý lịch tư pháp tăng 9%, tư vấn pháp lý cho UBND TPHCM tăng 15%, đăng ký vi bằng tăng hơn 34%, góp ý thẩm định văn bản tăng 63%... so với cùng kỳ. 

“Hồ sơ, công việc gia tăng nhưng lại có hiện tượng một số công chức xin nghỉ việc”, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh lo lắng và cho biết thêm, những người nghỉ việc đều có năng lực, đáp ứng tốt yêu cầu công việc nên tình trạng nghỉ của họ đã ảnh hưởng đến công việc của sở. 

Sở Tư pháp TPHCM được giao 112 biên chế, số biên chế hiện tại chỉ có 98 người. Các cán bộ, công chức, viên chức cùng bộ phận, cùng phòng - ban phải căng mình choàng gánh công việc để tình trạng nghỉ việc này không làm chậm trễ hoặc kéo giảm chất lượng phục vụ người dân. Cũng vì lẽ đó, các phòng như văn bản, tổ chức, hộ tịch, bổ trợ, lý lịch… thường xuyên vẫn sáng đèn vào lúc 18 giờ, 19 giờ hàng ngày. Đó là chưa kể nhiều cán bộ, công chức ôm hồ sơ về nhà nghiên cứu.

Việc thiếu hụt đội ngũ cán bộ, công chức gây nên khó khăn cho công tác của ngành tòa án TPHCM. Theo Chánh án TAND TPHCM Ung Thị Xuân Hương, từ năm 2016, số lượng án hình sự phức tạp, án điểm ở TPHCM liên tục tăng cao. TAND 2 cấp TPHCM năm 2016 thụ lý hơn 56.000 vụ án các loại, trong đó án hình sự hơn 8.400 vụ; năm 2017 thụ lý hơn 57.000 vụ án các loại, án hình sự hơn 6.700 vụ; 6 tháng đầu năm 2018 đã thụ lý hơn 49.000 vụ án các loại, án hình sự hơn 3.400 vụ. Trong đó có vụ có tới 70 - 80 bị cáo, 200 người liên quan như vụ đại án Phạm Công Danh. Với số lượng án thụ lý chiếm khoảng 1/4 cả nước, ngành tòa án TPHCM gặp áp lực về nhân sự, khi thiếu cả thẩm phán lẫn thư ký.

Tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, công chức ôm việc về nhà, làm đến 21 giờ đêm là chuyện thường. Tổng nhân sự được giao là 1.343 người, nhưng hiện nay, toàn ngành mới có 1.289 chỉ tiêu và giảm dần, nên tổng số thiếu tới 69 vị trí. Trong khi đó, đội ngũ này đang phải quản lý gần 70.000 đơn vị sử dụng lao động với tổng số hơn 2,2 triệu lao động tham gia BHXH. Khối lượng công việc khổng lồ. Năm 2017, bình quân mỗi cán bộ BHXH TPHCM phải thực hiện thu - chi gần 120 tỷ đồng/năm; quản lý 172 đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH, bảo hiểm y tế; quản lý hơn 5.600 lao động tham gia BHXH và gần 15.400 người tham gia bảo hiểm y tế. Bình quân mỗi tháng, một viên chức phải giải quyết 1.200 hồ sơ hưởng chế độ hàng tháng, hơn 2.600 hồ sơ hưởng chế độ một lần và xử lý gần 27.000 trường hợp hưởng bảo hiểm thất nghiệp; bình quân một cán bộ giám định bảo hiểm y tế thực hiện giám định 215.000 hồ sơ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế/năm; bình quân một cán bộ làm công tác cấp sổ - thẻ phải in gần 61.000 sổ BHXH và hơn 192.000 thẻ bảo hiểm y tế/năm. Dù đã áp dụng công nghệ thông tin để xử lý gần hết các lĩnh vực nghiệp vụ, nhưng vẫn còn nhiều công việc cần công chức, viên chức trực tiếp thực hiện. 

Quy mô công việc của BHXH TPHCM chiếm tới 16% việc của ngành BHXH trong cả nước, nhưng định biên chỉ bằng 6,5%. Số nhân sự đang quá thấp so với khối lượng công việc phải đảm trách và phát sinh (số lượng thu - chi BHXH hàng năm tăng từ 18% - 25%). “Áp lực công việc thì nhiều, lương thì ít, nên những trường hợp nghỉ việc, chúng tôi đều không thể giữ chân được, đành chia tay nhau”, Giám đốc BHXH TPHCM Phan Văn Mến trăn trở. Quá nhiều việc, quá thiếu người, hầu hết công chức, viên chức ngành BHXH phải làm việc thêm giờ. Ông Phan Văn Mến cho hay, đa số tăng ca 100 giờ/năm, thậm chí nhiều người tăng ca đến 200 giờ/năm - số giờ tăng ca ở mức cao nhất mà luật cho phép.

Trong khi đó, hơn 2 năm qua TPHCM không tổ chức thi tuyển công chức, cho nên Sở Tư pháp không có nguồn bố trí bù cho số công chức nghỉ việc, nghỉ hưu. Chính vì vậy, nhiều cán bộ công chức của Sở Tư pháp phải căng sức choàng gánh công việc. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài sẽ dễ rơi vào vòng luẩn quẩn. Khi làm quá đuối mà thu nhập quá thấp thì cán bộ, công chức nghỉ việc, mà càng nghỉ việc thì số ở lại càng đuối với số lượng công việc nhiều hơn. Và, càng đuối thì lại càng nghỉ! Vì vậy, lãnh đạo Sở Tư pháp đề xuất cho phép tuyển dụng nhân sự, đồng thời xem xét về bài toán thu nhập cho hợp lý nhằm hạn chế tình trạng chảy máu chất xám.

Lương công chức thấp hơn thu nhập người lao động trong doanh nghiệp

UBND TPHCM cho biết, năng suất phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quản lý nhà nước ở TPHCM gấp 1,5 lần cả nước.

Lao động công chức, viên chức làm công việc đặc biệt là lao động trí tuệ, trách nhiệm cao; song, đến nay đội ngũ lao động này vẫn phải hưởng đồng lương thấp nhất so với thu nhập của mặt bằng xã hội. Mức lương cơ sở của công chức, viên chức từ tháng 7-2018 được nâng lên là 1.390.000đồng/tháng, song vẫn là mức quá thấp, chưa thể đảm bảo được cuộc sống.

Mức lương bình quân của công chức, viên chức thành phố hiện nay còn chưa phù hợp với giá trị sức lao động, còn thấp hơn nhiều so với thu nhập bình quân của người lao động làm việc trong khu vực sản xuất kinh doanh. Bởi vì, mức lương cơ bản được điều chỉnh tăng hàng năm chủ yếu chỉ để bù trượt giá, không đủ trang trải cho chi phí cuộc sống khá cao tại một đô thị lớn như TPHCM. 

Hệ thống thang lương, bảng lương còn dựa vào bằng cấp, thời gian công tác, chưa gắn với trình độ chuyên môn, chất lượng công việc. Quan hệ tiền lương của công chức, viên chức mang tính bình quân, không so sánh mức độ hiệu quả trong công việc; cơ bản cứ định kỳ 2 hoặc 3 năm theo ngạch, công chức, viên chức sẽ được nâng lên một bậc lương, thay vì gắn với năng lực, hiệu quả công tác. Vì thế, chưa có động lực thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu đạt hiệu quả cao trong công việc.

Các mức lương trong hệ thống bảng lương công chức, viên chức hành chính nhà nước chưa phản ánh được giá trị cống hiến của người có năng lực, lao động chuyên môn, kỹ thuật cao; cũng không có tác dụng khuyến khích công chức, viên chức gắn bó với khu vực nhà nước, khó thu hút được nhân tài, lao động chuyên môn kỹ thuật cống hiến cho thành phố.

“Chảy máu” vô hình


Tại quận 8, ông Huỳnh Việt Hùng, Trưởng phòng Nội vụ quận, cho biết các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước tại quận 8 hiện đang thiếu khoảng 30 cán bộ, công chức, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực tài chính - kế toán, văn phòng - thống kê, văn hóa - xã hội, tư pháp - hộ tịch. Bà Dương Thị Uyên Chi, Trưởng phòng Nội vụ huyện Bình Chánh, cho biết toàn huyện hiện thiếu khoảng 630 cán bộ công chức, viên chức.

Trong ngành giáo dục, năm học vừa qua, TPHCM cần tuyển thêm gần 2.400 giáo viên nhưng chỉ tuyển được 1.760 người, vẫn thiếu hơn 620 người. Đáng báo động, nếu căn cứ theo quy định tỷ lệ giáo viên/nhóm, lớp (từ 0,5 - 1,0; hiện nay của TPHCM là 1,5), thì số giáo viên mầm non của thành phố còn thiếu lên tới hơn 11.000 người, trong đó, riêng giáo viên mầm non khối công lập thiếu hơn 3.300 người. Và tính đến năm 2020, TPHCM cần thêm tới hơn 36.500 giáo viên mầm non.

Cùng với tình trạng nghỉ việc mà các cơ quan có thể đo đếm được, còn một tình trạng thất thoát chất xám rất khó ước lượng nhưng đang xảy ra. Đó là tình trạng công chức, viên chức không toàn tâm toàn ý cho công việc mà “chân trong chân ngoài”, làm thêm tăng thu nhập. Chị Nguyễn Thị L. (ngụ xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) đang là giáo viên thuộc biên chế của một trường tiểu học tại quận 8. Thâm niên dạy học gần 15 năm nhưng mức lương hiện tại của chị L. chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng. Không chuyển việc, cách giải quyết của chị L là… làm thêm. Các ngày thứ bảy, chủ nhật, chị L. nhận dạy thêm ở các trường tư thục, dân lập. Ban đêm, chị L. còn thức bán hàng online. “Đương nhiên, việc làm thêm ít nhiều có ảnh hưởng đến việc dạy chính thức ở trường, song vì cuộc sống mưu sinh, mình phải cố gắng căng kéo thời gian, sức lực và trí tuệ”, chị L. bộc bạch. Trong ngành giáo dục, các cô giáo phải làm thêm khá nhiều. Người thì dạy thêm, người buôn bán kinh doanh, người bán hàng qua mạng… Với ngành BHXH, Giám đốc BHXH TPHCM Phan Văn Mến chia sẻ, một số công chức, viên chức của ngành cũng phải tự làm thêm như đi dạy, buôn bán, kinh doanh… để cải thiện thu nhập.

Khi bàn về việc thúc đẩy sáng tạo ở TPHCM, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phạm Chánh Trực cảnh báo, cán bộ, công chức và công nhân lao động mà làm việc này sống bằng việc khác một cách phổ biến thì cơ quan, đơn vị, tổ chức đó sẽ bị nghiêng ngả, xộc xệch, chệch choạc, dẫn tới guồng máy hoạt động không hiệu quả, thậm chí hỏng việc, sai lầm, khuyết điểm.

Cùng với “chảy máu”, thất thoát chất xám là tình trạng lãng phí chất xám. Các chuyên gia đã nhận xét, không ít công chức, viên chức không sử dụng nhiều đến chất xám, thường chỉ “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, lượn qua lượn lại trong công sở nhưng hiệu quả công việc không cao. Tại Sở LĐTB-XH TPHCM, Giám đốc Lê Minh Tấn ước tính, khoảng 25% công chức, viên chức của sở làm việc chưa hiệu quả, chủ yếu đứng cho đủ đội hình, chứ giao việc cho họ thì không an tâm về chất lượng công việc.

Tin cùng chuyên mục