Ngọn lửa ấy thôi thúc anh dấn bước trên con đường nhiều gian nan và thành quả là những công trình nghiên cứu vừa “trình làng” đã gây được tiếng vang, góp phần định danh Việt Nam trên bản đồ khoa học thế giới. Anh chính là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022 vừa được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tôn vinh.
TS Trương Thanh Tùng miệt mài trong phòng thí nghiệm |
Nỗ lực “nội địa hóa” thuốc Việt
Khoảng 22 giờ một ngày giữa tháng 11-2022, khi đang viết báo cáo khoa học, TS Trương Thanh Tùng bất ngờ nhận được một cuộc gọi từ Mỹ. Đầu dây bên kia là Chủ tịch Hội đồng quản lý Hiệp hội Khoa học nghiên cứu quốc tế Sigma Xi, thông báo anh đã được bầu làm thành viên chính thức của hiệp hội. Đó thực sự là niềm vui quá lớn đối với TS Trương Thanh Tùng, bởi Sigma Xi là một trong những hiệp hội khoa học uy tín và lâu đời nhất trên thế giới, thành lập từ năm 1886, có trụ sở tại Mỹ, từng có 200 thành viên được giải Nobel. Để trở thành thành viên hiệp hội, ứng viên phải được bầu trực tiếp bởi một hội đồng gồm các nhà khoa học danh giá. TS Trương Thanh Tùng là nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam có được vinh dự này với thành tựu ấn tượng là một phát minh về phương pháp điều trị HIV mới. Nói một cách đơn giản, virus HIV không thể tiêu diệt được vì nó nằm trong tế bào ở dạng ngủ. Phương pháp của TS Trương Thanh Tùng và các cộng sự ở Đại học Copenhagen (Đan Mạch) là, dùng một chất khác đánh thức HIV trong tế bào, sau đó thuốc sẽ đi đến loại bỏ các tế bào bị nhiễm, tế bào lành không bị ảnh hưởng. Hiện phương pháp này đã được chứng minh ở quy mô phòng thí nghiệm. Các nhà khoa học khác trên thế giới có thể sử dụng phương pháp này để phát triển thành sản phẩm nhưng ý tưởng được xác lập là của nhà khoa học Việt Nam Trương Thanh Tùng.
Ở một hướng nghiên cứu khác, TS Trương Thanh Tùng và các cộng sự lại nổi danh bởi công bố thuốc thay thế kháng sinh, bằng phương pháp “ức chế con đường giao tiếp của vi khuẩn”. Kết quả của nghiên cứu này mở ra hướng điều trị mới cho bệnh nhân đa kháng thuốc (kháng kháng sinh), có thể cứu sinh mạng hàng triệu người bệnh nhiễm trùng nặng, là nguyên nhân phổ biến gây tử vong tại Việt Nam hiện nay. Đây là hướng đi rất mới và anh đang cố gắng tìm dược chất mạnh nhất để tạo ra công thức thuốc tối ưu.
Hiện TS Trương Thanh Tùng đang nghiên cứu tổng hợp một số thuốc chữa bệnh hiếm, thuộc danh mục khó mua, đắt đỏ như các bệnh truyền nhiễm virus, Covid-19, HIV, tim mạch, ung thư … Kinh nghiệm từ đợt dịch Covid-19 cho thấy, việc không chủ động được thuốc đã dẫn đến thiệt hại lớn. Trong khi việc sản xuất thuốc chữa những bệnh này không phải quá khó, vì chỉ sau khi Mỹ công bố thuốc chữa Covid-19 khoảng 2 tuần, một số nước khác cũng công bố thuốc chữa. Anh cho rằng, vấn đề là sự chủ động, chung tay của các nhà khoa học trong việc giúp Chính phủ đảm bảo an ninh y tế, sức khỏe. Ở quốc gia nào cũng vậy, càng trong các tình huống lâm nguy như chiến tranh, dịch bệnh, càng cần đến những cống hiến của các nhà khoa học.
Trong quá trình nghiên cứu tổng hợp thuốc, điều làm TS Trương Thanh Tùng băn khoăn là, hầu hết thuốc sản xuất tại Việt Nam đều được bào chế từ nguyên liệu nhập khẩu, dẫn đến giá thành cao, lệ thuộc vào nguồn cung. Vì vậy, anh đang tập trung vào nghiên cứu tổng hợp các dược chất từ nguyên liệu trong nước, với mong muốn “nội địa hóa” thuốc Việt. Các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc… đã làm được việc này. Đó cũng là cách làm khoa học thực sự, đi từ khoa học cơ bản, để Việt Nam có thể làm chủ được công nghệ dược.
Khơi dậy ý thức tự cường
Tốt nghiệp xuất sắc Trường Đại học Dược Hà Nội, học thạc sĩ tại Đại học quốc gia Seoul Hàn Quốc, hoàn thành tiến sĩ và sau tiến sĩ tại Đại học Copenhagen và Đại học Aarhus (Đan Mạch), rồi làm trợ lý giáo sư tại Đại học Pittsburgh (Mỹ), TS Trương Thanh Tùng bảo, mình được đào tạo bài bản ở nước ngoài, trình độ, năng lực của mình không thua họ. Anh từng làm việc cho một viện nghiên cứu khoa học sức khỏe của Mỹ, những kết quả nghiên cứu thành công của anh lúc đó đương nhiên thuộc về Chính phủ Mỹ. Chính trong thời gian này, anh nhận thấy hoàn toàn có thể tự làm và mong muốn có những kết quả nghiên cứu mang tên mình, gắn với đất nước mình. Đó là lý do anh quyết định về nước làm nghiên cứu khoa học.
Nghĩ lại những ngày đầu về nước thật gian nan, thiếu thốn mọi thứ nhưng Tùng không nản chí. Anh tin rằng, định hướng đúng, có bản lĩnh, quyết tâm thì sẽ tìm được đường đi. Vì muốn đi đường dài, anh tìm đến các nhà khoa học trẻ Việt Nam ở nước ngoài đang lưỡng lự giữa việc về hay ở, khơi dậy trong họ ý thức tự cường, tinh thần cống hiến của tuổi trẻ. Anh bảo, tuổi trẻ kỳ lạ lắm, đầy đam mê và nhiệt huyết, nhiều khi họ chỉ cần được làm việc, được cống hiến. Nhưng cái khó nhất là nguồn quỹ đầu tư cho nghiên cứu quá hạn hẹp, dù anh và các cộng sự không đòi hỏi gì nhiều, thậm chí không cần tiền công, chỉ cần cung cấp đủ nguyên vật liệu để làm. Không trông chờ, anh đã tự mày mò làm từ cái nhỏ, rồi dần dần mở rộng các mối quan hệ tìm nhà đầu tư. Nhiều nhà khoa học trên thế giới đã làm như vậy, họ không nghiên cứu khoa học đơn thuần mà sẽ tìm kiếm, mời gọi tài trợ từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Hiện nhóm nghiên cứu của anh đã có khá đầy đủ phương tiện để làm việc, nhưng với mong muốn nền khoa học quốc gia mạnh lên trong mọi lĩnh vực, anh vẫn còn nhiều trăn trở. Anh tâm sự: “Ở nước ngoài, nhà khoa học trẻ được sánh ngang với các nhà khoa học kỳ cựu, có khi còn được ưu tiên hơn, trong khi ở Việt Nam thì ngược lại. Việc phân bổ ngân sách cho đề tài khoa học thường ưu tiên cho các giáo sư, tiến sĩ tên tuổi, khi xét đến nhà khoa học trẻ thì vốn đã cạn. Điều đó làm cho nhiều tài năng trẻ mất cơ hội cống hiến, nhiều người chán nản, ra đi... Nhưng đó là lịch sử, các nhà khoa học trẻ phải cùng nhau làm mới nền khoa học nước nhà, bằng việc phát huy tinh thần tự cường, tự chủ trong nghiên cứu, đồng thời kiến nghị để Chính phủ có hỗ trợ phù hợp”. Tín hiệu đáng mừng là gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ các nhà khoa học trẻ. Trung ương Đoàn cũng có đề án Phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ Việt Nam giai đoạn 2022-2030. Các trường đại học của Việt Nam đã bắt đầu thành lập các nhóm nghiên cứu… TS Trương Thanh Tùng cho rằng đây sẽ là tiền đề để Việt Nam có được đội ngũ nhà khoa học trẻ đủ mạnh.
Câu chuyện với TS Trương Thanh Tùng làm tôi nhớ tới cuộc nói chuyện của ngài cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak về khởi nghiệp với các sinh viên Việt Nam hồi tháng 8-2022 tại Hà Nội. Nhờ sự đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu khoa học, đặc biệt là cho nhà khoa học trẻ, Israel đã vượt lên trở thành quốc gia sáng tạo nhất thế giới, với những thành tựu quân sự, y sinh học, nông nghiệp… khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ. Ông nói: “Trước đây, một quốc gia mạnh đồng nghĩa với đất đai rộng lớn, người đông, tài nguyên dồi dào nhưng nay mọi sự đã thay đổi. Tài nguyên trí tuệ con người mới là vô tận, cần được khai thác”. Tôi bỗng thấy dâng trào hy vọng vào các nhà khoa học trẻ Việt Nam, những người đang cùng nhau viết trang sử mới của nền khoa học nước nhà. Mong rằng, với ý chí tự cường, sự nỗ lực của bản thân, cộng với sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, các nhà khoa học trẻ sẽ là những hạt nhân đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, như mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Tuyên dương 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu
Theo kế hoạch, tối 23-3, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam sẽ tổ chức lễ tuyên dương 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, 10 gương mặt trẻ triển vọng năm 2022.
Đây là những cá nhân xuất sắc nhất được hội đồng xét tặng giải thưởng bỏ phiếu kín bình chọn từ 156 hồ sơ đề cử từ các địa phương cả nước. Các cá nhân được tuyên dương thuộc 9 lĩnh vực: học tập, lao động sản xuất, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, quốc phòng, an ninh trật tự, thể thao, văn hóa nghệ thuật, hoạt động xã hội. Năm nay, lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước không có đề cử, lĩnh vực học tập có 2 đề cử. Trong khuôn khổ lễ tuyên dương, Trung ương Đoàn, Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam, các gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và triển vọng nhiều thời kỳ dự kiến sẽ có chuỗi hoạt động tri ân, hành trình về nguồn tại thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, thành phía Bắc…