Đây là chia sẻ của nhà thực vật học Francisco Farronay thuộc Viện Nghiên cứu Amazone quốc gia Brazil (INPA) trong một chuyến thám hiểm do Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) khởi xướng và đang được thực hiện tại một nơi hẻo lánh trong rừng Amazon, nhằm liệt kê các loài sinh vật ở đây.
Còn theo ông Alberto Vicentini, một thành viên khác trong đoàn thám hiểm thuộc INPA: “Ước tính có tới 60% loài thực vật chúng ta chưa được biết tới. Mỗi lần một khu vực bị tàn phá thì phá hủy luôn cả một phần đa dạng sinh học mà chúng ta sẽ không bao giờ được biết tới”.
Hầu hết các loài thực vật trong rừng Amazone được phát hiện ở những khu vực hẻo lánh. Để đến được nơi hẻo lánh này ở bang Amazonas, miền Bắc Brazil, các thành viên đoàn thám hiểm đã đáp máy bay từ thành phố Manaus, vượt hàng trăm kilômét để tới Manicore, rồi từ đó đi tàu mất 5 giờ đồng hồ.
Chuyến thám hiểm này kéo dài 1 tuần nhằm thu thập các mẫu thực vật và quan sát hành vi các loài động vật. Để phục vụ mục đích của cuộc thám hiểm, các nhà khoa học phải lắp đặt các máy quay và ống thu thanh. Thành viên đoàn bao gồm các chuyên gia về động vật có vú, chim, loài lưỡng cư, bò sát, cá và các chuyên gia về thực vật.
Phần lớn Amazon vẫn chưa được các nhà khoa học khám phá hết và đang bị đe dọa bởi nạn chặt phá rừng để lấy đất phục vụ nông nghiệp, khai khoáng và khai thác gỗ trái phép. Một nghiên cứu của MapBiomas, dự án nghiên cứu về sự biến mất của các khu vực rừng phòng hộ trong rừng Amazon, được công bố vào năm ngoái, cho biết, rừng Amazon mất khoảng 74,6 triệu ha diện tích thảm thực vật bản địa (tương đương với toàn bộ lãnh thổ Chile) từ năm 1985-2020. Theo số liệu chính thức, kể từ năm 2019, tốc độ phá rừng trung bình hàng năm ở khu vực rừng Amazone của Barzil đã tăng 75% so với thập kỷ trước.
Bên cạnh cuộc chạy đua tìm kiếm sinh vật ở rừng Amazon, hiện các nhà khoa học cũng đang tăng tốc một cuộc chạy đua khác để tìm ra, liệu và khi nào Amazon có thể đạt đến điểm giới hạn đáng sợ - điểm không thể quay trở lại - khi khu rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh có thể khô héo và biến thành một tràng cỏ rộng lớn. Một khu rừng nhiệt đới từng cho là ẩm ướt, nhưng bây giờ các rìa rừng đang nở rộng ra dưới ánh nắng mặt trời. Và theo thời gian, thảm thực vật rừng nhiệt đới chết dần và cỏ kiểu tràng cỏ sẽ chui len vào trong.
Từ đó, nó sẽ là một hệ sinh thái cỏ khô hơn nhiều, dễ cháy hơn nhiều so với rừng nhiệt đới. Hậu quả sau cùng sẽ là mất đi một hệ sinh thái không thể thay thế và tác nhân chính trong các động lực khí hậu toàn cầu.
Amazon cũng mất nhiều thời gian hơn để phục hồi sau những xáo trộn như các diễn biến thời tiết diễn ra trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change mới đây, các nhà khoa học cho biết, thảm thực vật phủ hơn 3/4 Amazon đã mất khả năng phục hồi kể từ đầu những năm 2000 - một tốc độ chậm chạp hơn của sự trở lại bình thường. Cụ thể, 75% Amazon đã trở nên kém khả năng chống chọi với những xáo trộn như hạn hán kéo dài.
Hiện không phải tất cả Amazon đều có thể đạt đến điểm giới hạn đó. Nếu những cây cao vẫn đứng vững, động vật vẫn có thể di chuyển hạt giống và chất dinh dưỡng xung quanh, những mảng thực vật rộng lớn vẫn được kết nối với nhau, thì khả năng phục hồi của hệ thống vẫn còn hy vọng.