Thiếu ứng viên dự tuyển
Tuần qua, Phòng GD-ĐT quận 3 công bố kết quả tuyển dụng viên chức năm học 2019-2020. Theo đó, ở bậc mầm non có 16 ứng viên trúng tuyển, thiếu 1 người so với nhu cầu (cần tuyển 17 giáo viên). Tương tự, ở bậc tiểu học, nhu cầu tuyển dụng 30 giáo viên nhưng chỉ có 22 ứng viên trúng tuyển.
Riêng ở bậc THCS, chỉ có 19 ứng viên trúng tuyển trên tổng nhu cầu tuyển dụng 28 giáo viên. Trước đó, ngày 18-7, Phòng GD-ĐT quận 9 phát đi văn bản gia hạn thời gian đăng ký dự tuyển giáo viên kéo dài đến hết ngày 5-8, tăng thêm 6 ngày so với kế hoạch ban đầu. Lý do là chưa nhận đủ hồ sơ ứng viên như chỉ tiêu.
Thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, năm học 2018-2019, toàn TP có 27.300 giáo viên mầm non, trong đó số giáo viên biên chế là 10.374 người, chiếm tỷ lệ 38%, còn lại 62% giáo viên theo diện hợp đồng lao động.
Đối với nhóm nhà trẻ, tỷ lệ giáo viên trên một lớp hiện mới đạt tỷ lệ 1,9 giáo viên trên nhóm lớp; đối với mẫu giáo là 1,8 giáo viên trên lớp, thấp hơn rất nhiều so với quy định của Bộ GD-ĐT.
Năm học 2019-2020, quận Gò Vấp cần bổ sung thêm 184 giáo viên, trong đó chỉ riêng bậc tiểu học thiếu 84 giáo viên (chiếm 45% tổng nhu cầu giáo viên cần tuyển mới). Tương tự, tại quận Thủ Đức, năm học này cần bổ sung thêm 93 giáo viên tiểu học, chiếm hơn 58% tổng nhu cầu tuyển dụng.
Riêng đối với quận 8, năm học 2019-2020 cần bổ sung thêm 113 giáo viên tiểu học, bình quân mỗi trường tiểu học cần tăng thêm 5,3 giáo viên. Đặc biệt, quận Bình Tân cần tuyển mới 152 giáo viên tiểu học và 112 giáo viên THCS.
Đãi ngộ chưa thỏa đáng
Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân, cho biết hiện nay dẫn đầu nhu cầu tuyển dụng ở bậc mầm non là Trường Mầm non Thiên Tuế (tuyển 10 giáo viên) và Trường Mầm non Thủy Tiên (tuyển 7 giáo viên).
Đây là 2 trường mầm non đã hoạt động trong năm học 2018-2019, nhưng do chưa tiếp nhận đủ học sinh nên không tuyển giáo viên. Năm học này, với áp lực tăng cao về nhu cầu trường, lớp nên nhu cầu tuyển dụng giáo viên khá lớn.
Riêng đối với bậc tiểu học, năm học 2019-2020, quận Bình Tân xây chen thêm 53 phòng học, nhiều trường phải bỏ bớt các lớp học 2 buổi trên ngày để tăng thêm phòng học một buổi, đáp ứng đủ nhu cầu về chỗ học cho học sinh.
Do đó, nhu cầu tuyển dụng giáo viên khá cao, như Trường Tiểu học Kim Đồng cần tuyển 16 giáo viên, Trường Tiểu học Lạc Hồng tuyển 19 giáo viên...
Riêng bộ môn tiếng Anh, một số địa phương có nhu cầu cao về tuyển dụng giáo viên, như quận 1 cần bổ sung thêm 22 giáo viên, quận 8 tuyển 20 giáo viên, quận 5 tuyển 12 giáo viên…
Phó trưởng phòng GD-ĐT một quận ở trung tâm TPHCM cho biết, đây là đội ngũ năm nào cũng tuyển dụng nhưng thường xuyên biến động do thiếu sức cạnh tranh về thu nhập so với hệ thống các trường tư thục.
“Quận tôi nhiều ứng viên trúng tuyển viên chức, công tác ở khu vực trường công được 1 - 2 năm thì nhận được lời mời từ các trường tư thục với mức lương gấp 2 - 3 lần thu nhập ở trường công. Năm nào, các trường cũng vất vả giữ chân giáo viên giỏi”, vị này cho biết.
Trước thực tế trên, để tăng thêm sức cạnh tranh và thu hút giáo viên, đại diện các phòng GD-ĐT đề nghị lãnh đạo TPHCM có thêm nhiều chính sách đãi ngộ dành cho giáo viên ở bậc học mầm non, tiểu học, đặc biệt là đội ngũ giáo viên tiếng Anh, vốn có yêu cầu cao về trình độ chuyên môn, nhưng thu nhập chưa tương xứng.
Bà Trần Bích Ngọc, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận 7, bày tỏ: “Nếu không có các chính sách đặc thù về thu nhập dành cho giáo viên ở bậc học mầm non và tiểu học, địa phương sẽ rất khó tuyển dụng giáo viên, bởi công việc đòi hỏi cường độ lao động cao (10 - 12 giờ lao động trên ngày), áp lực và trách nhiệm chưa tương xứng với thu nhập”.
Để giải quyết khó khăn tuyển dụng mới giáo viên, bắt đầu từ năm học 2018-2019, TPHCM đã mở rộng đối tượng tuyển dụng giáo viên không có hộ khẩu TP, đồng thời áp dụng thêm nhiều chính sách ưu đãi về tiền lương cho giáo viên mầm non với tổng kinh phí gần 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu thực sự không có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, căn cơ và lâu dài, khả năng tình trạng thiếu giáo viên vẫn kéo dài. |