Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng nhanh chóng nắm bắt, tham gia làn sóng này nhằm tạo ra những ứng dụng tiếng Việt, phục vụ người Việt.
Các tập đoàn công nghệ vào cuộc
Cuối tháng 11-2023, Tập công nghệ Amazon của Mỹ ra mắt chatbot AI mang tên Q dành cho các doanh nghiệp. Chatbot Q được thiết kế riêng cho các khách hàng sử dụng dịch vụ điện toán đám mây AWS của Amazon và sẽ cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT của OpenAI, Bard của Google, cũng như các tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) của Microsoft sử dụng công nghệ của OpenAI. Trong thông báo trên mạng xã hội X, Giám đốc điều hành Amazon Andy Jassy cho biết đây là công cụ AI an toàn, trong đó quyền truy cập vào nội dung sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn và khách hàng trên nền tảng đám mây sử dụng chatbot Q cũng có thể giới hạn chatbot truy cập nguồn dữ liệu…
Trước đó, tháng 2-2023, Tập đoàn Alphabet Inc, công ty mẹ của Google, cho ra mắt một dịch vụ chatbot có tên Bard nhằm cạnh tranh với ứng dụng ChatGPT của OpenAI vốn đã tạo “cơn sốt” trên khắp thế giới thời gian vừa qua. Bard kết hợp kho tàng tri thức vô tận của thế giới với sức mạnh, trí thông minh và sự sáng tạo của các mô hình ngôn ngữ lớn. Dựa trên thông tin từ các trang web, Bard có thể đưa ra những phản hồi chất lượng cao và cập nhật. “Nhiều người dùng trên thế giới đã dùng chatbot Bard như một công cụ làm việc. Tôi đã dùng thời gian qua và thấy thú vị ở gợi ý khi ứng dụng đưa ra các thông tin khá chuẩn xác”, anh Nguyễn Mai, một người làm sáng tạo nội dung ở quận 3, TPHCM, chia sẻ.
Hiện nay, người dùng đã thoải mái dùng Microsoft Copilot, một ứng dụng chat bằng AI của Microsoft, được hỗ trợ bởi công nghệ mới nhất từ OpenAI, bao gồm GPT-4 và Dall-E 3. Ngay sau khi ra mắt (tháng 9-2023), Copilot lập tức lọt vào tốp 10 ứng dụng được tải nhiều nhất trong tuần trên chợ ứng dụng vì các tính năng AI của Microsoft đã được hợp nhất trong trải nghiệm Microsoft Copilot. Với sự kết hợp của giao diện trò chuyện và các mô hình ngôn ngữ lớn, Microsoft Copilot không chỉ cung cấp thông tin, trả lời câu hỏi mà còn tạo ra nội dung mới, thực hiện các hành động cần thiết khi nhận được yêu cầu bằng ngôn ngữ tự nhiên từ con người…
Theo các chuyên gia, cuộc đua của các tập đoàn công nghệ danh tiếng nói trên bắt nguồn từ “sức nóng” ChatGPT của công ty OpenAI. Khi xuất hiện vào tháng 11-2022, ChatGPT ngay lập tức đã làm giới công nghệ toàn thế giới quan tâm và thu hút số lượng lớn người dùng. Hiện ChatGPT có nhiều phiên bản, phục vụ tùy theo nhu cầu người dùng.
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt
Tại Việt Nam, Công ty VinBigdata là một trong những đơn vị tham gia mạnh mẽ vào cuộc đua chatbot AI. Tháng 12-2023, công ty này đưa đến người dùng ứng dụng ViGPT, phiên bản chatbot AI tiếng Việt đầu tiên ở Việt Nam dành cho người dùng cuối và phiên bản dành riêng cho doanh nghiệp được tích hợp trong nền tảng AI đa nhận thức VinBase 2.0. GS Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học VinBigdata, cho rằng, với hướng phát triển Chatbot AI, chúng ta không chỉ xóa bỏ sự phụ thuộc vào những sản phẩm quốc tế, mà còn dần nâng cao tính chính xác của thông tin chứa giá trị lịch sử, văn hóa Việt và giảm thiểu dòng chảy dữ liệu ra nước ngoài.
Theo chuyên gia công nghệ Nguyễn Hồng Phúc, năm 2024 sẽ là năm AI ứng dụng vào những công việc thực tế, có ích với con người. Cụ thể như chatbot AI sẽ là chuyên gia phân tích số liệu khi người dùng đưa cho nhân viên AI một vài file Excel hoặc Word chứa các số liệu, tài liệu kinh doanh. Ứng dụng này sẽ đọc tài liệu, phân tích dữ liệu trong các file rồi tự tạo các báo cáo, vẽ biểu đồ dựa trên các thông tin phân tích được. Hay như thư ký AI sẽ quản lý tài liệu, hồ sơ, thông tin lịch hẹn của cá nhân, doanh nghiệp và khi cần cũng có thể sắp xếp lịch họp, viết thư mời. Tiếp đến là nhân viên Designer AI, một ứng dụng AI tự động tìm kiếm hình ảnh từ internet, thiết kế hình ảnh marketing, tạo các hình ảnh, video sản phẩm theo yêu cầu, không giới hạn tùy chọn và làm việc 24/7…
“Với những ứng dụng chatbot AI hiện nay của thế giới và của Việt Nam, chúng ta có thể thấy xu hướng AI ứng dụng của năm 2024 đã hình thành. Chatbot AI sẽ xuất hiện mọi nơi và mọi ứng dụng truyền thống muốn có AI sẽ đơn giản là tích hợp một khung chat vào ứng dụng. Đây cũng là cơ hội cho các khởi nghiệp AI khi làm sản phẩm xoay quanh khung chatbot AI”, chuyên gia công nghệ Nguyễn Hồng Phúc cho hay.
Ông HỒ MINH ĐỨC, Giám đốc điều hành Vbee: Ứng dụng AI có chất lượng cao hơn, bình dân hơn
Với sự cạnh tranh hiện nay của các hãng công nghệ lớn tập trung vào AI, các hãng phải tìm khách hàng phù hợp, mang lại giá trị cao nhất tới khách hàng và người dùng sẽ được hưởng nhiều lợi ích: sản phẩm đa dạng và chất lượng hơn. Giá dịch vụ sẽ có chiều hướng giảm, thậm chí miễn phí, nếu ChatGPT Plus với 20 USD/tháng thì Bard của Google đang miễn phí với chất lượng và giá trị tương đương.
Bên cạnh đó, thị trường phát triển nhanh chóng, tạo ra các hệ sinh thái, mô hình kinh doanh cho người dùng, từ đó người sử dụng, đối tác công nghệ, lập trình viên có thể khai thác và tạo ra mô hình kinh doanh cho chính mình. Nếu trước đây các bài toán lớn như xử lý ngôn ngữ, computer vision, chatbot, callbot… rất khó thì giờ rất đơn giản, chỉ việc tích hợp hoặc dùng mã nguồn mở với chi phí thấp. Tận dụng tài nguyên của các hãng công nghệ còn giúp giảm chi phí và thời gian phát triển, nhân lực cũng ít hơn trong việc đầu tư các công nghệ lõi, xây dựng dữ liệu, tập học. Nghĩa là, các mô hình AI mới không chỉ hỗ trợ về mô hình mà còn hỗ trợ luôn cả phần dữ liệu, tập học. Có thể khẳng định, thời gian tới, AI sẽ được “bình dân hóa” và lan tỏa sâu rộng vào đời sống người dân chứ không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp. AI giúp chúng ta tạo ra con người “ảo” hỗ trợ con người thật, các hệ thống, nhà máy sẽ được tự động hóa, việc ra quyết định sẽ được tự động hoặc dựa trên số liệu tư vấn, tất cả sẽ trở nên thông minh hơn (thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh, nhà máy thông minh, nhà thông minh…).