Trong lúc châu Âu vẫn loay hoay hướng ngành công nghiệp bốn bánh chuyển sang động cơ điện, Mỹ chưa có nhiều chính sách ưu đãi thuế dành cho dòng xe thân thiện với môi trường thì ngành công nghiệp sản xuất xe điện ở quốc gia tỷ dân Trung Quốc đã bùng nổ, đưa Trung Quốc trở thành một thị trường tiềm năng nhất thế giới trong lĩnh vực sản xuất các dòng xe thân thiện với môi trường.
Điện hóa giao thông
Dân số đông, nhiều ưu đãi thuế là những yếu tố hấp dẫn các nhà sản xuất ô tô điện đầu tư vào thị trường sản xuất tại Trung Quốc. Một yếu tố khác mà các hãng xe không thể bỏ qua thị trường rộng lớn này là việc Trung Quốc đang khuyến khích người dân sử dụng xe điện để giảm bớt tác hại của tình trạng ô nhiễm môi trường. Đây cũng là nền tảng của chính sách công nghiệp mới có tên “Made in China 2025”. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố, trong thời gian tới, các xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sẽ không còn xuất hiện tại nước này và trong tương lai, lệnh cấm có thể được ban hành trên các xe chạy bằng dầu diesel.
Từ năm 2016 đến nay, người Trung Quốc có xu hướng chuộng mua ô tô điện thay cho các dòng xe chạy bằng xăng hay dầu diesel. Đối với họ, lợi ích đầu tiên khi mua ô tô điện là không cần tham gia quay số theo quy định hạn ngạch đăng ký xe mới. Kế đến là xe điện không thuộc diện phải chạy theo ngày chẵn - ngày lẻ. Ở các TP lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến, sử dụng xe điện đang ngày càng trở nên phổ biến.
Theo dự báo của Chủ tịch Tập đoàn sản xuất ô tô Trung Quốc BAIC Từ Hòa Nghị, sản lượng xe điện của Trung Quốc có thể sẽ đạt 1 triệu chiếc trong năm 2018 và đạt 3 triệu chiếc vào năm 2020. Đây là mốc vượt xa những gì chính phủ nước này dự kiến trước đó. Theo lộ trình trước đây của Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ sản xuất 2 triệu xe điện/năm vào 2020 và 7 triệu xe điện/năm vào 2025 - tương đương 20% tổng sản lượng ô tô toàn quốc.
Để chuẩn bị cho xu hướng sử dụng điện hóa giao thông, trong những năm qua, Trung Quốc đã cho phép các nhà sản xuất ô tô nước ngoài lập các liên doanh sản xuất xe điện với các đối tác địa phương, tiến hành bước đầu tiên để thay đổi chính sách ngành ô tô trong nhiều thập kỷ. Các hãng xe muốn có chỗ trong thị trường sản xuất xe điện Trung Quốc buộc phải chia sẻ công nghệ với các đối tác Trung Quốc.
Song song với việc nghiên cứu phát triển công nghệ, Trung Quốc đã tập trung sản xuất linh kiện xe điện, thiết bị phụ trợ và tuyển dụng nhân tài tốt nhất trong lĩnh vực kỹ thuật sản xuất xe điện. Tất cả yếu tố đó góp phần giúp cho những chiếc xe điện bắt đầu cạnh tranh với xe chạy xăng hoặc diesel về hiệu suất và chi phí. Chính phủ Trung Quốc cũng đã đặt ra những hạn ngạch nghiêm ngặt đối với xe điện và xe hybrid và yêu cầu các hãng xe phải đạt được vào năm 2019. Theo đó, các nhà sản xuất buộc phải tăng số lượng sản xuất xe điện và xe hybrid nếu muốn tiếp tục duy trì việc bán các xe chạy bằng xăng. Từ đầu năm 2017, Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc đã giám sát các khoản đầu tư mới trong ngành công nghiệp ô tô, đã ngừng chương trình cấp phép để kiểm soát số lượng ô tô sản xuất ra.
Cạnh tranh sản xuất
Nhờ vào chính sách mở cửa cho thị trường xe điện chính phủ, tại nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc hiện có rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp tập trung vào sản xuất linh kiện phục vụ cho xe điện. Trong khi đó, các hãng xe nội địa mở rộng chiến lược quảng cáo cho những dòng xe mới.
Hiện nay, hầu hết các hãng xe điện cỡ nhỏ đều do Trung Quốc trực tiếp sản xuất và sử dụng trong lĩnh vực du lịch, lữ hành. Ông Tony Seba, nhà sáng lập công ty tư vấn năng lượng và vận tải Rethink X đã so sánh tốc độ phát triển thị trường ô tô điện của Trung Quốc hiện nay với hình ảnh của TP Detroit ở nước Mỹ - nơi từng được mệnh danh là “kinh đô ô tô của thế giới” từ đầu những năm 1990. Ông Tony Seba cho rằng, thị trường sản xuất xe điện ở Trung Quốc sẽ bùng nổ hơn nếu chính phủ tiếp tục có các chính sách linh hoạt trong hoạt động thúc đẩy sản xuất và sử dụng xe điện với mục đích vì môi trường.
Tốc độ mở rộng dòng xe điện tại Trung Quốc nhanh hơn dự kiến, cho thấy Mỹ và châu Âu đang hụt chân trong cuộc đua giành thị phần dòng xe thân thiện với môi trường do không có nhiều chính sách ưu đãi các hãng xe trong nước. Đối với các hãng xe hơi thì lợi nhuận vẫn phải đặt lên hàng đầu, do vậy các hãng xe đổ xô đầu tư các dòng xe điện mới sản xuất tại Trung Quốc. Giám đốc điều hành của Volkswagen Jochem Heizmann cho biết, hãng đang quyết tâm đi đầu trong cuộc cách mạng xe điện tại Trung Quốc.
Theo kế hoạch, Volkswagen và các đối tác sẽ đầu tư khoảng 12 tỷ USD để phát triển và sản xuất 25 mẫu xe chạy bằng điện ở Trung Quốc từ năm 2020 đến 2025 và cho ra mắt 15 mẫu xe mới trong vòng 3 năm tới. Từ năm ngoái, Volkswagen đã lên kế hoạch bán 1,5 triệu xe chạy bằng điện và hybird tại thị trường Trung Quốc đến năm 2025. Trung Quốc vốn là thị trường khổng lồ của Volkswagen và hãng đã có nhiều kinh nghiệm sản xuất xe với các đối tác địa phương.
Ông lớn Tesla cũng đang cố gắng chiếm ưu thế trong cuộc đua sản xuất xe điện tại Trung Quốc. Cuối tháng 10 vừa qua, Tesla vừa mở một trạm sạc điện ở Thượng Hải, gồm 50 bộ sạc siêu nạp. Đây là trạm sạc pin ô tô điện lớn nhất trên thế giới. Hãng này vừa đạt được một thỏa thuận với giới chức Thượng Hải, qua đó giúp công ty này trở thành doanh nghiệp ô tô nước ngoài đầu tiên xây dựng nhà máy mà họ sở hữu 100% vốn tại Trung Quốc.
Hiện doanh số bán ra chỉ tính riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm đến 15% doanh số thường niên năm vừa qua của Tesla, tức khoảng 1 tỷ USD. Các hãng xe khác của Mỹ như Ford tuyên bố sẽ xây dựng thương hiệu mới để sản xuất xe chạy hoàn toàn bằng điện với một đối tác địa phương hay General Motors cũng dự kiến đẩy mạnh sản xuất dòng xe điện Baojun E100, sau khi khoảng 4.000 chiếc xe điện 2 chỗ này đã được tiêu thụ tại một TP ở phía Đông Nam Trung Quốc trong vòng 4 tháng. Các hãng xe Nhật cũng không muốn chậm chân ở Trung Quốc.
Trong tuyên bố được đưa ra trong ngày 23-11, Toyota tuyên bố sẽ cạnh tranh thị phần xe điện tại Trung Quốc từ năm 2020. Trong khi đó, hãng Nissan đã nhanh chân hơn khi bắt tay lập liên minh với Renault (Pháp) cùng với nhà sản xuất ô tô nội địa Trung Quốc Dongfeng Motor Group thành lập một công ty liên doanh mới với tên gọi eGT New Energy Automotive để tập trung làm xe chạy điện.