Chiến lược kỹ thuật số rộng lớn
Nếu mạng 5G tạo điều kiện cho một thế giới tương tác giữa con người và máy móc như ô tô không người lái, trí tuệ nhân tạo (AI) và kết nối vạn vật (IoT), thì mạng 6G sẽ giúp xây dựng một thế giới kỹ thuật số phản ánh cuộc sống thực. Mạng 6G sẽ có tốc độ kết nối không còn ở mức gigabit/giây (Gbps) mà tăng vọt tới terabit/giây (Tbps), tức nhanh gấp 1.000 lần. Mạng 6G sử dụng phổ tần số cực cao, mang lại tốc độ cực cao và dung lượng lớn trong khoảng cách ngắn.
Châu Á là khu vực đang có sự cạnh tranh phát triển mạng 6G giữa các nước có ngành công nghệ số phát triển. Mới đây, Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc (MSIT) đã giới thiệu chiến lược số hóa “K-Network 2030”, bao gồm các kế hoạch liên quan đến mạng 6G, Open RAN và vệ tinh. Theo kế hoạch, Hàn Quốc dự định trình diễn công nghệ mạng 6G cho thế giới vào năm 2026. Chiến lược của Chính phủ Hàn Quốc đối với mạng 6G gồm phát triển các công nghệ thế hệ tiếp theo, đảm bảo các bằng sáng chế tiêu chuẩn và giá trị gia tăng cao, đồng thời xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển. Hàn Quốc đã chọn 5 lĩnh vực chính cho dự án thí điểm, trong đó có nội dung nhập vai về chăm sóc sức khỏe số, ô tô tự lái, thành phố thông minh và nhà máy thông minh.
Mạng 6G là thế hệ di động mới cho chuyển đổi số |
Từ tháng 7-2021, MSIT đã thiết lập kế hoạch thực hiện nghiên cứu và phát triển mạng 6G, kêu gọi số tiền đầu tư khoảng 194 triệu USD. Cụ thể, kế hoạch này nhắm mục tiêu khoản đầu tư của chính phủ với tổng trị giá 17,9 tỷ KRW (15,78 triệu USD) cho 10 công nghệ chiến lược, bao gồm vệ tinh quỹ đạo tầm thấp (LEO). Các công nghệ tương quan với các khu vực trọng tâm, gồm hiệu suất, băng tần Terahertz, truyền thông không gian, siêu chính xác; AI và độ tin cậy.
Hiện Trung Quốc đang nỗ lực để trở thành quốc gia dẫn đầu trong cuộc đua về công nghệ mạng 6G. Năm ngoái, quốc gia này đã công bố lộ trình phát triển kinh tế kỹ thuật số trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14, nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường công tác nghiên cứu và phát triển cho công nghệ mạng 6G và tích cực thúc đẩy tiêu chuẩn toàn cầu về mạng 6G, đưa mạng 6G trở thành một phần trong chiến lược kỹ thuật số rộng lớn hơn của mình. Trung Quốc cũng có kế hoạch tổ chức Hội nghị công nghệ 6G toàn cầu năm 2023 tại Nam Kinh, từ ngày 22 đến 24-3. Chủ đề của hội nghị năm nay là “6G hội nhập thế giới và cùng nhau kiến tạo tương lai”, tập trung vào các nội dung: nghiên cứu và phát triển, công nghệ, kịch bản và tiêu chuẩn hóa mạng 6G, kiến trúc mạng, chia sẻ phổ tần số, an ninh mạng và truyền dẫn không dây.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, nhiều công ty tư nhân bắt tay cùng chính phủ để cùng phát triển công nghệ 6G theo hình thức hợp tác công - tư. Theo đó, Toyota Motor, NEC và nhiều công ty Nhật Bản khác sẽ tham gia nhóm do chính phủ hậu thuẫn để đề xuất các yêu cầu công nghệ cho mạng 6G. Tập đoàn điện tử NEC đang kết hợp với nhà mạng NTT Docomo và NTT thử nghiệm mạng 6G. Các bên sẽ làm việc trên công nghệ MIMO phân tán nhằm xúc tiến băng tần 6GHz và tạo ra dung lượng “khủng” cho công nghệ truyền tải đa kênh OAM bằng cách ghép không gian của sóng vô tuyến băng tần cao. NEC cũng tiến hành nghiên cứu và phát triển các thiết bị công nghệ để giảm mức tiêu thụ điện năng. Điều này bổ trợ cho sự phát triển của các công nghệ tối ưu và xử lý tín hiệu khi áp dụng AI. NEC đặt mục tiêu phát triển và hiện thực hóa các công nghệ siêu tiên tiến để hỗ trợ việc khởi động dịch vụ mạng 6G của Docomo và NTT vào năm 2030.
Thương mại hóa công nghệ
Tại Mỹ, Liên minh các giải pháp công nghiệp viễn thông (ATIS) đã thành lập Liên minh 6G - Next G Alliance để nâng cao vị thế dẫn đầu của Bắc Mỹ lĩnh vực mạng 6G. Tham gia Next G Alliance có 45 công ty thông tin và truyền thông trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, chất bán dẫn, nhà cung cấp thiết bị, nhà khai thác di động và tổ chức khác, gồm những tổ chức trong lĩnh vực nghiên cứu. Mục tiêu mà Next G Alliance đặt ra là sẽ thúc đẩy sự phát triển trong toàn bộ vòng đời của công nghệ, từ việc nghiên cứu và phát triển, sản xuất, tiêu chuẩn hóa cho đến thương mại hóa công nghệ mạng 6G.
Châu Âu cũng đang tăng tốc tham gia cuộc đua phát triển mạng 6G với các quốc gia tiêu biểu tham gia vào quá trình như Đức, Pháp, Phần Lan. Liên minh châu Âu (EU) đã cung cấp 95,1 triệu EUR cho nghiên cứu về mạng 5G và 6G từ năm 2017-2025. Các số liệu thống kê cho thấy có ít nhất 20 sáng kiến tập trung vào thế hệ kết nối tiếp theo. Phần lớn các dự án đều được tài trợ trong khuôn khổ Horizon 2020 - chương trình khung của EU được thiết kế cho hoạt động R&D.
Để thúc đẩy việc nghiên cứu và phát triển mạng 6G, Ủy ban châu Âu (EC) xây dựng dự án mang tên Hexa-X. Đây được xem là dự án hàng đầu của EC trong việc nghiên cứu và phát triển tổng thể công nghệ 6G, dự án do nhà cung cấp thiết bị viễn thông Nokia của Phần Lan dẫn đầu. Dự án còn có sự tham gia của các công ty công nghệ và các nhà khai thác di động hàng đầu của châu Âu như Ericsson, Atos, Intel, Orange, Siemens, TIM và Telefonica. Các mục tiêu của dự án bao gồm việc tạo ra các trường hợp và kịch bản sử dụng mạng 6G độc đáo, phát triển công nghệ 6G cơ bản và xác định kiến trúc mới cho một kết cấu thông minh tích hợp các yếu tố hỗ trợ công nghệ 6G.
Mục tiêu của mạng 6G là giải quyết các hạn chế của mạng 5G, hướng tới khả năng kết nối không gian, khí quyển, mặt đất, dưới biển. Công nghệ 6G sẽ có thay đổi đột phá về mặt kiến trúc với thành phần như: tích hợp mạng vệ tinh, cho phép mạng 6G có khả năng di động toàn cầu; chuyển đổi và nâng cấp kết nối thông thường thành kết nối thông minh; tích hợp truyền thông tin và năng lượng, không chỉ cho phép truyền thông tin mà còn truyền năng lượng không dây nhằm sạc pin cho các thiết bị.