Phân bổ thời gian hợp lý
Sáng 24-5, thời khóa biểu ôn tập của học sinh lớp 9A1, Trường THCS Hoàng Hoa Thám có 2 tiết môn Toán và 2 tiết tiếng Anh. Nguyễn Ngọc Nguyên Thảo, học sinh lớp 9A1, cho biết, để đảm bảo ngưỡng an toàn có một suất học công lập, em phải nắm vững kiến thức cơ bản, đạt từ 7-8 điểm ở mỗi môn thi. Tuy nhiên, nếu đăng ký nguyện vọng vào các trường THPT ở tốp đầu, học sinh phải dành nhiều thời gian hơn để luyện đề, làm quen các dạng đề nâng cao để đạt điểm số cao hơn.
Nguyên Thảo chia sẻ, em đang dành nhiều thời gian ôn tập môn Toán vì đây là môn đòi hỏi nhiều khả năng tư duy, có sự phân hóa rõ rệt các dạng đề, riêng 2 môn Ngữ văn và tiếng Anh phân bổ thời gian xen kẽ để cân bằng hoạt động trí não. Nhận định thêm về môn tiếng Anh, nữ sinh này đánh giá đây là môn thi tương đối dễ kiếm điểm, tuy nhiên học sinh phải đọc kỹ đề, tránh mất điểm ở những câu hỏi liên quan đến biến đổi từ vựng, cấu trúc ngữ pháp.
Còn với Nguyễn Kỳ Duyên, học sinh lớp 9/7, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, một tuần 5 buổi sáng học ở trường, mỗi buổi 4 tiết, chia đều cả 3 môn Ngữ văn, Toán và tiếng Anh, các buổi còn lại trong ngày em luyện giải đề thi tại nhà. Chia sẻ về bí quyết ôn tập, Kỳ Duyên cho biết, mỗi tuần em dành ra một buổi sáng thứ bảy để nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc, không để trí não làm việc quá căng thẳng dẫn đến mệt mỏi, suy nhược cơ thể. Các ngày còn lại trong tuần, em không thức khuya mà chọn cách đi ngủ sớm vào buổi tối để đầu óc minh mẫn, dễ tiếp thu kiến thức vào sáng hôm sau. Đối với môn Toán, em dành phần lớn thời gian ôn tập phần hình học và các dạng toán thực tế vì đây là phần dễ mất điểm trong đề tuyển sinh. Với môn Ngữ văn, Kỳ Duyên chỉ học thuộc lòng dàn ý, kết hợp đọc sách báo, liên hệ đời sống để làm rộng hơn vốn hiểu biết và khả năng đánh giá vấn đề.
“Không phải đề thi nào cũng phân bổ câu hỏi mức độ từ dễ đến khó nên em thường chọn những câu dễ làm trước, câu khó khoanh tròn để lại sau. Để thuận tiện cho việc hệ thống kiến thức, em ghi chép các công thức, cấu trúc cơ bản ra sổ tay để không nhầm lẫn khi vận dụng giải đề”, Kỳ Duyên cho biết.
Trao đổi với PV Báo SGGP, cô Phạm Thị Thanh Thủy, Tổ trưởng tổ Toán, đồng thời là giáo viên chủ nhiệm lớp 9/7, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh chia sẻ, thời gian còn lại không nhiều nên học sinh cần ôn tập theo các nhóm chủ đề. Trong đó, đối với các kiến thức triển khai trong học kỳ 1 theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giáo viên dành nhiều thời gian để củng cố, bố trí lịch học xen kẽ giữa các môn để tăng hiệu quả tiếp thu cho học sinh.
Lưu ý đối với các môn thi
Đối với môn tiếng Anh, cô Trần Thị Thu Hiền, giáo viên tiếng Anh, Trường THCS Hoàng Hoa Thám cho biết, đây là năm đầu tiên đề thi tuyển sinh tăng số lượng câu hỏi từ 36 lên 40 câu, bổ sung thêm câu hỏi về phát âm nên học sinh cần dành thời gian làm quen dạng đề này. Với các câu hỏi liên quan từ vựng, học sinh cần đọc kỹ đề để xác định đúng cấu trúc ngữ pháp, nhận diện nghĩa từ nhờ bối cảnh đoạn văn.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm làm bài thi, cô Lý Huyền Vi, giáo viên tiếng Anh, Trường THCS Hoàng Hoa Thám cho biết, nhiều học sinh không có thói quen viết ra giấy nháp các đáp án trắc nghiệm môn tiếng Anh. Đây là nhận thức sai lầm vì chỉ cần viết sai một ký tự có thể mất toàn bộ điểm số của câu hỏi đó. Để đảm bảo tính chính xác, học sinh cần viết đáp án ra nháp trước khi viết vào bài thi, tránh chỉnh sửa nhiều lần dẫn đến mất điểm.
Đối với môn Toán, cô Phạm Thị Thanh Thủy cho biết, đề thi gồm 8 câu hỏi, trong đó 5 câu liên quan vận dụng thực tế, 1 câu hỏi về hình học với nhiều câu hỏi phụ, 2 câu hỏi về đại số. Với các câu hỏi liên quan Toán thực tế, học sinh cần nắm rõ yêu cầu của đề, chú ý đổi đơn vị đo lường sao cho đồng nhất. Những học sinh có năng lực khá giỏi có thể dành thời gian luyện tập thêm các dạng đề đòi hỏi khả năng tư duy cao, học sinh có năng lực thấp hơn chú ý kỹ hình thức trình bày để đạt điểm tối đa cho những câu hỏi dễ. Nhìn chung, cấu trúc đề thi Toán năm nay không thay đổi so với mọi năm, tuy nhiên tăng cường thêm một nội dung mới liên quan đến Toán xác suất - thống kê lồng ghép trong các bài toán thực tế. Riêng với các câu hỏi tích hợp liên môn Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, học sinh cần bình tĩnh vận dụng công thức và vận dụng kiến thức thực tế để giải đề.
Lo lắng là phản ứng tâm lý bình thường ở học sinh trong giai đoạn ôn tập nước rút. Tuy nhiên, cô Phạm Thị Thanh Thủy cho rằng, nếu có kế hoạch ôn tập khoa học và nỗ lực hết mình thì kết quả chắc chắn sẽ như mong đợi. Mặt khác, để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi, học sinh cần giữ thái độ bình tĩnh và trạng thái tinh thần ổn định, kết hợp nghỉ ngơi và ăn uống điều độ, tránh dồn nén ôn tập trong những ngày cuối tạo ra tình trạng choáng tâm lý dẫn đến nghẽn kiến thức khi bước vào phòng thi.
Tuần qua, Trường THCS Lê Văn Hưu (huyện Nhà Bè) tổ chức cho học sinh khối 9 tham quan học tập tại di tích chiến thắng La Ngà (tỉnh Đồng Nai) kết hợp các hoạt động vui chơi tại Khu du lịch Suối Mơ nhằm giúp các em thư giãn, thả lỏng đầu óc sau những giờ học căng thẳng. Cũng trong tuần lễ đầu tiên của tháng 6, nhiều trường THCS sẽ tổ chức lễ tri ân và trưởng thành cho học sinh khối 9 nhằm động viên các em trước kỳ thi. |