Israel dấn bước
Cơ quan Vũ trụ Israel vừa trình lên Bộ Đổi mới, Khoa học và Công nghệ nước này một kế hoạch trị giá khoảng 180 triệu USD đầu tư cho lĩnh vực công nghệ vũ trụ phục vụ mục đích dân sự, cũng như nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này.
Kế hoạch này kéo dài 5 năm, nhằm củng cố và phát triển ngành vũ trụ dân sự như một ngành thúc đẩy tăng trưởng bền vững, thông qua việc tăng gấp đôi số công ty trong lĩnh vực này (từ 60 lên 120 công ty), tăng số chuyên gia nghiên cứu (từ 120 lên 160 người), đồng thời tăng nhân lực trong ngành từ 2.500 lên 10.000 người và tăng doanh số của ngành từ
1 tỷ lên 1,25 tỷ USD/năm. Kế hoạch cũng bao gồm dự án xây dựng vệ tinh nghiên cứu và thành lập một trung tâm cung cấp kiến thức về vũ trụ quốc gia, tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng của các cơ quan, tổ chức của chính phủ, tư nhân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Israel cũng có thêm cơ hội thử nghiệm những công nghệ mới thông qua một vệ tinh tầm thấp sẽ được phóng lên quỹ đạo Trái đất hàng năm.
Theo báo Times of Israel, đây là một phần trong kế hoạch tổng thể nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghệ vũ trụ dân sự và tài trợ cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Kế hoạch đặt ra 4 mục tiêu lớn gồm: Thúc đẩy ngành công nghiệp vũ trụ dân sự trở thành một động lực mới cho tăng trưởng kinh tế; Thúc đẩy và hỗ trợ các nghiên cứu khoa học về vũ trụ; Khuyến khích phát triển nguồn nhân lực; Nâng cao vị thế quốc tế của Israel trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ. Thông báo trên trang web, Cơ quan Vũ trụ Israel cho biết, kế hoạch mới đặt ra tầm nhìn “tăng cường vị thế và sự độc lập của Israel với tư cách là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ”.
Bộ trưởng Bộ Đổi mới, Khoa học và Công nghệ Israel Orit Farkash-Hacohen nhấn mạnh, lĩnh vực vũ trụ có tiềm năng lớn về kinh tế, thương mại đối với nền kinh tế và lĩnh vực công nghệ cao của nước này. Israel hiện có một số công ty khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, như Helios, với công nghệ sản xuất oxy nhiên liệu từ đất khai thác trên Mặt trăng; hay Ramon Space với sản phẩm siêu máy tính phục vụ nghiên cứu vũ trụ.
Chiến trường mới trong tương lai
Có thể nói, Israel, được mệnh danh là quốc gia khởi nghiệp, đã một lần nữa chứng minh sự dấn thân tiên phong của chính phủ trong ngành công nghệ vũ trụ dân sự khá mới mẻ này. Trước Israel, chính phủ các nước Trung Quốc, Australia... cũng đã thể hiện mối quan tâm thương mại đối với các kế hoạch phát triển không gian bên ngoài ở đối tượng dân sự.
Australia là một trong những quốc gia đang nỗ lực khai thác và biến ngành công nghiệp vũ trụ dân sự thành sân chơi hấp dẫn cho doanh nghiệp. Tháng 7-2021, Cơ quan Vũ trụ Australia đã công bố chiến lược không gian dân sự của nước này nhằm thúc đẩy việc tham gia sâu rộng hơn vào ngành công nghiệp vũ trụ dân sự. Chính phủ Australia đã đầu tư hơn 700 triệu USD để phát triển lĩnh vực không gian vũ trụ dân dụng từ khi Cơ quan Vũ trụ Australia được thành lập vào năm 2018. Theo dự báo của cơ quan trên, lĩnh vực mới nổi này sẽ tạo ra thêm 20.000 việc làm mới trên thế giới vào năm 2030; chủ yếu là kỹ sư, kỹ thuật viên, nhà nghiên cứu và nhà vật lý học, cũng như việc làm liên quan tới vai trò hỗ trợ sự phát triển của ngành.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã không ngừng nỗ lực tập trung cho không gian thương mại ở mảng vũ trụ dân sự. Theo TS Alanna Krolikowski, Trợ lý Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Khoa học và Công nghệ Missouri (Mỹ), mối quan hệ giữa chính phủ, doanh nghiệp nhà nước với công ty tư nhân trong ngành công nghiệp vũ trụ của Trung Quốc đang phát triển phù hợp với tham vọng một không gian lớn hơn ở khu vực dân sự của Chính phủ Trung Quốc. Trong khi đó, ở Mỹ, cuộc chạy đua khẳng định vị thế quốc gia trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ dân sự đang được đặt cược vào các cuộc cạnh tranh giành không gian dân sự gay cấn giữa những tỷ phú công nghệ Jeff Bezos, Elon Musk, Richard Branson…
Cuộc chạy đua phát triển công nghệ vũ trụ, và mới nhất là lĩnh vực vũ trụ dân sự, là hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine ngày càng kéo dài và ảnh hưởng sâu rộng hơn. Đáp lại lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine, ngày 1-5, Giám đốc Chương trình Vũ trụ của Nga đã tuyên bố Moscow sẽ rút khỏi Trạm Vũ trụ quốc tế. Trước đó, Cơ quan Vũ trụ trung ương của Nga đã từ chối phóng vệ tinh OneWeb của Anh bằng tên lửa Soyuz của họ. Việc Nga không còn thực hiện các sứ mệnh ở châu Âu sẽ mang lại lợi ích cho một số công ty vũ trụ mới, như SpaceX của tỷ phú Elon Musk. Nhà phân tích Edison Yu của Deutsche Bank nhận định, nhờ SpaceX tiếp tục mở rộng mạng lưới Internet vệ tinh Starlink ở Ukraine (tính đến tháng 5, Starlink có mặt ở 32 quốc gia), đã có 250.000 thành viên đăng ký sử dụng.
Không gian vũ trụ cũng được cho là sẽ trở thành chiến trường mới trong các cuộc xung đột trong tương lai. Trước mắt, năm 2022, Mặt trăng sẽ là điểm đến của 6 quốc gia, gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, cùng một số công ty. Báo Nature dẫn nhận định của giới khoa học cho rằng, có thể đây là thời kỳ hoàng kim mới của việc khám phá Mặt trăng vì mục đích dân sự.