Chạy đua điều chỉnh đề án tuyển sinh

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến các trường về dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2020 (gọi tắt quy chế tuyển sinh) để gấp rút hoàn thiện và công bố trong những ngày tới. Trên cơ sở quy chế này, tất cả các trường đang khẩn trương điều chỉnh lại đề án tuyển sinh nhằm tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.

Gấp rút điều chỉnh phương thức xét tuyển

Những năm trước, các trường ĐH-CĐ thường hoàn tất đề án tuyển sinh và công bố rộng rãi cho thí sinh biết trong tháng 3; đồng thời thống kê số lượng nguyện vọng (NV) cũng như số thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đến nay các trường vẫn phải chờ quy chế tuyển sinh để chính thức công bố đề án và các phương thức xét tuyển.

Chạy đua điều chỉnh đề án tuyển sinh ảnh 1 Thí sinh nhận giấy báo trúng tuyển năm 2019 tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM 
Dù chưa có quy chế tuyển sinh chính thức (mới dự thảo) nhưng các trường ĐH-CĐ vẫn đang điều chỉnh lại đề án tuyển sinh đã công bố trước đó. Ngày 4-5 vừa qua, Ban chỉ đạo tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội đã họp khẩn và chính thức tuyên bố không tổ chức kỳ thi riêng (thi đánh giá năng lực) mà sử dụng kết quả thi THPT năm 2020 để xét tuyển.

Theo đó, phương án tuyển sinh mở rộng các đối tượng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT; xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT năm 2020; xét tuyển các thí sinh có chứng chỉ quốc tế và các tiêu chí phụ khác (theo yêu cầu của chương trình đào tạo). ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đưa ra phương án tuyển sinh dự phòng trong trường hợp dịch Covid-19 kéo dài, cản trở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, là sẽ tổ chức xét tuyển dựa theo kết quả học tập bậc THPT kết hợp với hình thức kiểm tra đánh giá từ xa.

Tương tự, Trường ĐH Ngoại thương cũng vừa công bố quyết định dừng tổ chức kỳ thi (phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội) phục vụ việc xét tuyển đại học chính quy năm 2020. Trường sẽ chuyển chỉ tiêu tuyển sinh của phương thức xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi riêng sang phương thức xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi THPT năm 2020, kết hợp xét tuyển trên cơ sở chứng chỉ quốc tế và điểm thi THPT 2 môn thuộc tổ hợp xét tuyển của trường (không phải là ngoại ngữ) như phương án của năm 2019. Đáng chú ý, phương thức xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi THPT năm 2020 sẽ dựa trên các tổ hợp và cách tính điểm xét tuyển tương tự như năm 2019. 

Trong khi đó, nhiều trường ĐH khác cũng khẩn trương điều chỉnh đề án tuyển sinh cho phù hợp với tình hình thực tế kỳ thi THPT năm 2020, cũng như dự thảo quy chế tuyển sinh. Trong đó, thay đổi chủ yếu là điều chỉnh lại cơ cấu chỉ tiêu cho phù hợp ở các phương thức xét tuyển. 

Vẫn xét tuyển học bạ

Thông tin từ các trường ĐH cho biết, gần như 100% các trường phải thay đổi đề án tuyển sinh đã công bố trước đó. Tuy nhiên, điều đáng nói là tất cả các cơ sở đều có chỉ tiêu cho phương án xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và cả xét học bạ 3 năm lớp 10, 11, 12 hoặc kết hợp cả hai. Trường ĐH Kinh tế TPHCM vừa điều chỉnh dành đến 40% xét tuyển học sinh giỏi trong tổng số 5.800 chỉ tiêu.

Nhà trường cho phép thí sinh có thể đăng ký nhiều phương thức xét tuyển trong 5 phương thức, gồm: xét tuyển thẳng đối tượng theo quy định của Bộ GD-ĐT (trong đó xét tuyển học sinh giỏi 30%-40% chỉ tiêu theo ngành cho đối tượng là học sinh giỏi năm lớp 10, lớp 11, học kỳ 1 lớp 12 và tốt nghiệp THPT năm 2020); xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn (20%-30% chỉ tiêu theo ngành); xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có điểm trung bình tổ hợp môn A00, A01, D01 hoặc D07 từ 6,5 điểm trở lên tính theo năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12; xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức (20% chỉ tiêu theo ngành); xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (20%-30% chỉ tiêu theo ngành).

Trong khi đó, Hội đồng tuyển sinh ĐH Quốc gia TPHCM cũng đã họp và thống nhất phải điều chỉnh lại đề án tuyển sinh. Quan điểm của ĐH Quốc gia TPHCM là điều chỉnh nhưng đảm bảo không gây xáo trộn, tạo thuận lợi cho thí sinh. Các phương thức xét tuyển không thay đổi nhưng chỉ thay đổi ở cơ cấu chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu cho phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực tăng lên so với trước đó. Phương thức xét điểm thi THPT quốc gia được thay thế bằng phương thức xét điểm thi THPT năm 2020 và kết hợp với kết quả của quá trình học tập THPT (điểm học bạ). 

Nhiều trường ĐH công lập khác tại TPHCM như ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Mở TPHCM, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, ĐH Tài chính Marketing TPHCM… cũng xem xét điều chỉnh lại đề án tuyển sinh nhưng vẫn dành tới 30%-40% chỉ tiêu xét kết quả thi THTP năm 2020. Còn một số trường ĐH tư thục vẫn dành 70%-80% chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi THPT năm 2020 và điểm học bạ 3 năm THPT.

Theo đánh giá của hội đồng tuyển sinh nhiều trường ĐH, dù mỗi trường có nhiều phương thức xét tuyển (trung bình 4 - 7 phương thức) để tuyển chọn thí sinh, nhưng điều kiện chung cần có vẫn là tốt nghiệp THPT. Do đó, dù thế nào thì kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vẫn là thước đo tin cậy để các trường sử dụng làm cơ sở tuyển sinh. Như vậy, thí sinh không có gì phải lo lắng mà chỉ nên tập trung học và thi THPT đạt kết quả tốt; đồng thời tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh trên website của từng trường để đăng ký xét tuyển.

Tin cùng chuyên mục