Công nghệ SMR được xem là lựa chọn an toàn hơn đối với các lò phản ứng hiện nay do có công suất phát điện nhỏ hơn nhờ kích thước. Loại lò phản ứng SMR có chi phí xây dựng thấp hơn và dễ lắp đặt hơn tại các khu vực có cơ sở hạ tầng ít phát triển, trong khi các lò phản ứng nhanh có thể tái chế nhiên liệu hạt nhân.
Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa lò phản ứng hạt nhân SMR vào vận hành thương mại. Theo báo cáo của Hiệp hội Năng lượng hạt nhân Trung Quốc, lò phản ứng số 1 có công suất 200MW của nhà máy điện hạt nhân ở vịnh Thạch Đảo, tỉnh Sơn Đông, đã hoàn thành các giai đoạn thử nghiệm và kết nối với lưới điện vào cuối tháng 12-2021.
Theo Bloomberg, Trung Quốc có kế hoạch rót 440 tỷ USD để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới trong 15 năm tới với mục tiêu vượt qua Mỹ để trở thành nhà sản xuất điện hạt nhân hàng đầu. Nước này còn đầu tư mạnh vào công nghệ phản ứng nhiệt hạch - bắt chước phản ứng của Mặt trời và các ngôi sao để tạo ra điện - hứa hẹn sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Nhật Bản cũng vừa tuyên bố sẽ hợp tác với các đối tác đẩy mạnh phát triển công nghệ điện hạt nhân thế hệ mới. Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda khẳng định, Tokyo sẽ kêu gọi thêm các công ty năng lượng tham gia các chương trình quốc tế nhằm thử nghiệm các lò phản ứng nhanh và SMR.
Trong kế hoạch năng lượng quốc gia, Nhật Bản dự kiến hỗ trợ các công ty trong nước tham gia các cuộc thử nghiệm quốc tế về các công nghệ mới. Mỹ và Pháp nằm trong số các nước tham gia khác trong chương trình quốc tế này. Liên minh châu Âu cũng ráo riết thảo luận về việc đầu tư hơn 500 tỷ EUR để nâng cấp các nhà máy điện hạt nhân từ nay đến năm 2050.
Ông Thierry Breton, Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội khối, cho biết, chỉ riêng các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động sẽ cần được đầu tư 50 tỷ EUR từ nay đến năm 2030.