Tăng trưởng tích cực
Theo Bộ Công thương, bán lẻ được đánh giá là một trong những lĩnh vực tiềm năng, duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm ở hai chữ số trong thập niên qua. Dự báo quy mô ngành bán lẻ Việt Nam sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội (GDP). Đáng chú ý, trong nửa đầu năm nay, dù nền kinh tế còn đối mặt với nhiều khó khăn, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn đạt mức tăng trưởng tích cực, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong nửa đầu năm 2023, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến sự mở rộng của loạt thương hiệu nội, ngoại nhằm chiếm lĩnh thị phần. Cụ thể, đối với nhà bán lẻ ngoại có thể kể tới việc MUJI (Nhật Bản) khai trương cửa hàng thứ 5 tại TPHCM và thứ 6 tại Hà Nội, tất cả đều có quy mô 2.000m2. Ngoài ra, một thương hiệu Nhật Bản khác là UNIQLO đã khai trương cửa hàng thứ 4 trong nửa đầu năm 2023 tại Hà Nội và là cửa hàng thứ 19 của thương hiệu này tại Việt Nam. Cùng với đó, 2 nhà bán lẻ khác là Aeon và Central Retail cũng công bố kế hoạch dài hạn tại Việt Nam. Theo đó, Aeon dự kiến năm 2023 khai trương từ 2-3 siêu thị quy mô vừa tại khu vực phía Nam, với diện tích khoảng 5.000m2 nằm trong các trung tâm mua sắm của đối tác; còn Central Retail cho biết sẽ đầu tư thêm 20.000 tỷ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới, đặt mục tiêu nhân rộng điểm bán từ 40 tỉnh, thành phố hiện nay lên 55 tỉnh, thành phố với khoảng 600 cửa hàng.
Các nhà bán lẻ nội cũng không đứng ngoài cuộc đua mở rộng thị trường, dần chiếm thêm thị phần. Chẳng hạn, WinCommerce đã mở thêm 152 cửa hàng Winmart+ và 2 siêu thị Winmart trong 6 tháng đầu năm 2023; Liên Hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 1.000 điểm bán, tạo trải nghiệm mua sắm mới lạ, hiện đại cho khách hàng (riêng năm 2023, Saigon Co.op đặt mục tiêu phát triển 50- 60 điểm bán mới, đồng thời tập trung đầu tư hệ thống logistics, số hóa hoạt động bán lẻ để phù hợp với xu thế thị trường).
Đa dạng mô hình để giữ thị phần
Theo đánh giá chung, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua của người dân có xu hướng co lại, sự phát triển của các kênh phân phối bán hàng hiện đại đã phản ánh tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn rất hấp dẫn. Mặt khác, lạm phát tiếp tục mang lại nhiều tin tốt. Cụ thể, trong tháng 7, lạm phát toàn phần chỉ tăng 2,1% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức trần lạm phát 4,5% của Ngân hàng Nhà nước. Mặc dù vậy, theo giới chuyên gia đánh giá, do thị trường hấp dẫn nên nhiều nhà bán lẻ sẽ cùng tham gia, và trong cuộc đua này, nhà bán lẻ ngoại được nhận định có nhiều lợi thế hơn bởi được hậu thuẫn từ các tập đoàn mạnh cả về công nghệ lẫn tài chính. Do đó, nhà bán lẻ nội muốn giành và giữ thị phần phải có lối đi riêng mới giữ chân được khách hàng.
Đứng trước những thuận lợi và thách thức trên, Saigon Co.op cho biết đã và đang đa dạng hóa mô hình bán lẻ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Trong đó, Co.opmart là hệ thống siêu thị đầu tiên được Saigon Co.op phát triển vào năm 1996 với phương châm là “Bạn của mọi nhà”. Đến nay, hệ thống này đang có hàng trăm siêu thị tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước và phục vụ 1 triệu khách hàng mua sắm mỗi ngày. Ngoài Co.opmart, Saigon Co.op đã mở thêm các mô hình đại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi nhằm đáp ứng các phân khúc khách hàng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc khối vận hành hoạt động Co.opmart kiêm Giám đốc marketing Saigon Co.op, hiện Saigon Co.op tập trung tăng tốc phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi như Co.op Food, Co.op Smile, Cheers… nhằm đa dạng hóa hệ sinh thái và là nền tảng để đơn vị phát triển thương mại điện tử, hoàn thiện cấu trúc “online to offline” và “offline to online” để tiến tới hoạt động hiệu quả hơn. Trong đó, ở phân khúc cửa hàng, Saigon Co.op đã đẩy nhanh tiến độ phát triển chuỗi cửa hàng Co.op Food nhỏ, tiện lợi, sát với các khu dân cư, trường học để tạo kênh mua sắm tin cậy, bình ổn giá phục vụ người tiêu dùng.
Ở phân khúc cao cấp, Saigon Co.op đã ra mắt siêu thị Finelife. Với định hướng trở thành thương hiệu hàng đầu trong mô hình kinh doanh siêu thị cao cấp tại Việt Nam cả về số lượng cửa hàng, chất lượng hàng hóa và dịch vụ trải nghiệm, siêu thị cao cấp Finelife kinh doanh lên đến 12.000 mặt hàng có tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc rõ ràng và mặt hàng cao cấp đủ các ngành hàng.
Ngoài các mặt hàng phục vụ tiêu dùng hàng ngày, Finelife tập trung chủ yếu vào các mặt hàng hữu cơ trong nước và nhập khẩu, hàng hóa cao cấp của các ngành hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, đồ dùng… và nhóm hàng cao cấp organic, deli, trái cây, rau củ… “Chọn phân khúc phục vụ khác với những hệ thống phân phối còn lại thuộc Saigon Co.op, Finelife chính là mảnh ghép cuối cùng để Saigon Co.op phủ kín các góc của thị trường bán lẻ Việt Nam”, ông Nguyễn Ngọc Thắng chia sẻ.
Cũng theo ông Thắng, việc phát triển và đa dạng hóa các loại hình bán lẻ không nằm ngoài mục đích đem đến sự tiện nghi, phong phú đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, góp phần bình ổn giá cả thị trường và phát triển hơn thị trường bán lẻ hiện đại trong nước. Đây cũng là định hướng chiến lược phát triển xuyên suốt của Saigon Co.op.