Đối với Oliver Blume, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Volkswagen AG (Đức), chuyến công tác gần đây của ông tới Trung Quốc đã mang lại một sự lạc quan nhất định. Trả lời phỏng vấn THX, ông Blume cho biết, Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất đối với Volkswagen, do đó tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng các dòng sản phẩm của mình tại đây.
Cũng theo nhà quản lý này, Volkswagen sẽ xây dựng các mối quan hệ đối tác công nghệ mới tại thị trường Trung Quốc. Volkswagen AG không phải là tập đoàn lớn duy nhất trên toàn cầu đang tìm cách nắm bắt cơ hội tại thị trường Trung Quốc. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế liên quan đến dịch Covid-19, hàng chục công ty đa quốc gia đã liên hệ với bộ này để đề nghị hỗ trợ sắp xếp các chuyến công tác tại nước này.
Tại cuộc họp báo dành riêng cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc diễn ra ngày 15-3 vừa qua, Thứ trưởng Thương mại Thịnh Khâu Bình đã tái khẳng định cam kết của Trung Quốc trong việc tiếp tục thúc đẩy mở cửa. Kết quả một cuộc khảo sát mới đây do Phòng Thương mại Mỹ tại Nam Trung Quốc cho thấy, hơn 90% số công ty được khảo sát coi Trung Quốc là một trong những điểm đến đầu tư quan trọng nhất, với 75% có kế hoạch tái đầu tư ở Trung Quốc trong năm nay.
Theo dữ liệu chính thức của Bộ Thương mại Trung Quốc, trong 2 tháng đầu năm nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đại lục đã tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 268,44 tỷ nhân dân tệ (tương đương 39,71 tỷ USD). Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2023 lên 5,2%. Morgan Stanley, Goldman Sachs và các ngân hàng đầu tư khác cũng đã điều chỉnh tăng dự báo của họ.
Do ảnh hưởng của các lệnh phong tỏa Covid-19, lợi nhuận của các công ty công nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc giảm gần 10% vào năm 2022. Khoản đầu tư ròng 1,4 ngàn tỷ yen (10,4 tỷ USD) của Nhật Bản vào Trung Quốc và Hồng Công năm 2022 là mức thấp nhất kể từ năm 2016, theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản. Hơn một nửa số nhà sản xuất lớn của Nhật Bản được tờ Nikkei khảo sát vào cuối năm 2022 cho biết, họ có kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc với tư cách là nhà cung cấp phụ tùng. Một số tỉnh và thành phố của Trung Quốc đang cố gắng đảo ngược xu hướng này.
Còn Phòng Thương mại Liên minh châu Âu ở Thượng Hải khẳng định, các công ty sẽ không rời khỏi Trung Quốc vì thị trường này “đơn giản là quá lớn và quá quan trọng”. Thiên Tân và Thanh Đảo gần đây đã tổ chức roadshow dành cho nhà đầu tư ở Tokyo và Osaka. Nhật Bản là nguồn vốn FDI lớn thứ ba vào Thanh Đảo với số vốn đầu tư 6,5 tỷ USD. Theo China Daily, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh mới đây, Thủ tướng Lý Cường cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa trong năm nay phù hợp với các quy tắc thương mại quốc tế tiêu chuẩn cao, đồng thời sẽ mở rộng cửa ra thế giới với môi trường kinh doanh và dịch vụ tốt hơn.