Luật sư Lê Nguyễn Quốc Anh, Đoàn Luật sư TPHCM:
Khoản 5 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bổ sung năm 2020 và Điều 9 Nghị định 115/2013 (quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính) thì khi tạm giữ phương tiện giao thông, người lập biên bản tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản phương tiện vi phạm hành chính. Trong trường hợp phương tiện vi phạm hành chính bị mất, bán trái quy định, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người trực tiếp quản lý, bảo quản phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ phương tiện. Theo Điều 10 Nghị định 115/2013 thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có phương tiện bị tạm giữ có quyền yêu cầu cán bộ quản lý lập biên bản về việc tài sản trong thời gian tạm giữ bị mất, đánh tráo, hư hỏng, thiếu hụt và yêu cầu cơ quan quản lý phương tiện bồi thường theo quy định của pháp luật.
Như vậy, về nguyên tắc, khi xảy ra thiệt hại thì thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời, các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường (bằng tiền hoặc bằng hiện vật), thời gian bồi thường. Trường hợp không thể thỏa thuận được về việc bồi thường thiệt hại thì chủ phương tiện giao thông có thể làm các thủ tục khởi kiện ra TAND có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Thực tế đã có trường hợp đơn vị chức năng làm mất xe tạm giữ của người vi phạm. Sau khi xảy ra vụ việc thì đơn vị chủ động liên hệ với chủ xe để bồi thường. Giá trị xe đã qua sử dụng được tham khảo giá từ những nơi mua bán xe cũ, mức giá đưa ra do đơn vị và bên chủ xe thỏa thuận. Số tiền bồi thường cho chủ xe bị tạm giữ do cán bộ được giao trông coi chi trả. Ngoài ra, 2 bên có thể thống nhất để thuê một đơn vị độc lập giám định giá trị tài sản. Trường hợp không tìm được tiếng nói chung, một trong các bên có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường.
Luật sư Trần Đình Dũng, Đoàn Luật sư TPHCM:
Điều 9, Nghị định 115/2013 quy định người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu. Theo quy định này, Công an TP Thủ Đức phải chịu trách nhiệm bảo quản, quản lý phương tiện của người vi phạm. Trong trường hợp này, Công an Thủ Đức có đền bù thiệt hại cho người dân hay không còn phải căn cứ vào kết luận của cơ quan điều tra về nguyên nhân dẫn đến vụ cháy.
Theo Khoản 2, Điều 584, Bộ luật Dân sự 2015 (căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại) quy định, người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc lỗi hoàn toàn do bên thiệt hại. Như vậy, trong trường hợp cơ quan điều tra kết luận nguyên nhân vụ cháy không phải do chủ xe hay bất khả kháng thì Công an TP Thủ Đức có trách nhiệm bồi thường cho người dân. Về nguyên tắc bồi thường, theo Điều 585, Bộ luật Dân sự 2015, chủ xe thỏa thuận, thương lượng với cơ quan công an, nếu không thỏa thuận được thì đưa vụ việc ra TAND giải quyết.