Trước hết, phải nhìn nhận thực tế rằng, dư luận xã hội thừa nhận “chạy án” là một tiêu cực có tồn tại. Pháp luật không có quy định về tội danh “chạy án”. Việc này có thể hiểu là dùng thủ đoạn trái pháp luật để bóp méo, xoay chuyển vụ án theo hướng có lợi cho người phạm tội. Tùy vào tính chất, mục đích của hành vi mà người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Tùy từng trường hợp cụ thể, đó có thể là tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Nhận hối lộ”… theo quy định tại Bộ luật Hình sự. Các đối tượng đưa tiền nhờ “chạy án” thì có thể bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”...
Từ những vụ án trên, có thể thấy rõ cái kết của việc nhận “chạy án” thường có mức án nghiêm khắc với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Chẳng hạn, mới đây VKSND TPHCM đã truy tố bị can Nguyễn Văn Chung vì hành vi lừa cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà số tiền 100.000 USD để “chạy án”. Hay ngày 29-3, VKSND TPHCM đã ban hành cáo trạng truy tố các bị can trong vụ hút cát lậu xảy ra tại biển Cồn Ngựa, huyện Cần Giờ, TPHCM. Trong 24 bị can, có Trịnh Văn Hưng (cựu cán bộ Cục Hậu cần - Bộ Công an).
Theo cáo trạng, sau khi các tàu bơm hút cát lậu bị Bộ Công an bắt quả tang, tạm giữ, bị can Trương Văn Chinh và Trương Văn Thắng nhờ Bùi Văn Cường tìm người “lo lót”, giải quyết để tàu hút cát đang bị tạm giữ chỉ bị xử phạt hành chính, không bị tịch thu. Cường liên hệ với Trịnh Văn Hưng thì Hưng đồng ý và báo có thể xử lý được, nhưng cần phải “lo lót” số tiền 3 tỷ đồng. Nhưng thực tế là vụ việc bị Cơ quan điều tra, Công an TPHCM thụ lý, giải quyết và Thắng, Chinh bị khởi tố, bắt tạm giam. Trịnh Văn Hưng mặc dù không có chức vụ quyền hạn nhưng vẫn hứa hẹn với Cường, Thắng để nhận 400 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Hưng sử dụng vào mục đích cá nhân chứ không đưa cho bất cứ người có thẩm quyền nào...
Hành vi của các bị can, bị cáo trên đã làm mất niềm tin trong nhân dân, ảnh hưởng tới hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước. Xin khẳng định rằng, dưới công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” mà Trung ương đẩy mạnh nhiều năm qua, việc “chạy án” là không thể. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh đối với những người còn mang tư tưởng có thể lợi dụng sức ảnh hưởng, vị trí, quyền hạn của mình để nhận “chạy án” và cả những người còn tin rằng có thể dùng tiền để thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật.