Nối đồng ruộng với thế giới
Buổi trưa ở bang California (Mỹ), một người dân bước vào siêu thị và chọn mua một quả dừa xiêm xanh. Thắc mắc về nguồn gốc, vị khách ấy lấy smartphone ra, và chỉ vài thao tác, đã biết ngay trái dừa có xuất xứ từ Bến Tre (Việt Nam). Diễn tả đơn giản vậy, nhưng để truy xuất được nguồn gốc một loại nông sản nào đó, là cả quá trình phấn đấu. Để thoát cảnh nghèo khó của nông nghiệp bấp bênh, Bến Tre xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu trong xu thế hội nhập, đồng thời là giải pháp hiệu quả trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Nhiều năm trở lại đây, Đồng Tháp cũng là địa phương đi đầu trong ứng dụng nông nghiệp thông minh, theo phương châm của đồng chí Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Từ san phẳng đồng ruộng bằng tia laser đến trồng xoài qua mạng hay mô hình chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), dự án nông nghiệp công nghệ cao Ecofarm. Vừa qua, những người làm nông nghiệp trong nước đón tin vui khi blockchain, một công nghệ còn mới mẻ tại Việt Nam, đã được ứng dụng thành công vào truy xuất nguồn gốc trái xoài Mỹ Xương tại Đồng Tháp. Về mặt lý thuyết, việc truy xuất nguồn gốc thông qua tem QR code dán trên trái xoài Mỹ Xương giúp người tiêu dùng biết được thông tin chính xác về trái xoài, từ đó giúp họ lựa chọn đúng sản phẩm, tránh “vàng thau lẫn lộn”.
Thúc bách của thời cuộc
Hiện nước ta có tới 64 triệu người tiếp cận Internet, chiếm 67% dân số. Sự phát triển của công nghệ cùng hỗ trợ của Chính phủ trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã tạo nên những thành công bước đầu trong ứng dụng có hiệu quả công nghệ IoT (Internet vạn vật) trong nông nghiệp. Một số ví dụ có thể kể đến như iQShrimp, giải pháp phần mềm của Tập đoàn Cargill, sử dụng công nghệ máy lọc, thiết bị di động và bộ cảm biến để cung cấp thông tin về chất lượng nước, điều kiện về sức khỏe và thời tiết… của trại nuôi tôm, đưa ra chiến lược quản lý giúp tối ưu hóa hiệu quả nuôi trồng tại Bạc Liêu, Tiền Giang. Hay ứng dụng Smart Agri được Global CyberSoft phát triển, áp dụng tại Việt Nam từ năm 2015. Thông qua smartphone hay máy tính bảng, nhà nông có thể ngồi nhà theo dõi tình hình thời tiết, chất lượng rau quả, vụ mùa, điều khiển quy trình sản xuất từ khâu xuống giống, chăm sóc, tưới tiêu... một cách tự động.
Nông dân miền Tây chiếm hơn 70% dân số của vùng, địa bàn nông thôn đang là dư địa lớn cho các hình thái kinh tế mới: Nông nghiệp số, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, nông nghiệp sáng tạo, nông dân khởi nghiệp. Những kết quả bước đầu của nông nghiệp số là đáng trân trọng, song chưa nhiều. Trước sức cạnh tranh ngày càng gay gắt, đòi hỏi của chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu đang rất cần nhiều hơn cơ chế, chính sách, thể chế mới và xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ, chất lượng nhân lực trong nông nghiệp để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nông nghiệp số của ĐBSCL.