1. Những ngày cuối năm 2023, người dân ĐBSCL nô nức đón tin vui: Cầu Mỹ Thuận 2 khánh thành và đường cao tốc từ TPHCM đã về đến bờ Bắc sông Hậu. Mỹ Thuận 2 là cây cầu thứ 4 qua sông Tiền và là cây cầu thứ 6 nối liền sông Tiền, sông Hậu, điều mà hơn 20 năm trước, khi cầu Mỹ Thuận thông xe, người dân châu thổ chưa từng nghĩ tới.
Nếu như năm 2000, cầu Mỹ Thuận là dấu mốc đột phá cho một đồng bằng cách trở đò giang, thì năm 2023, cầu Mỹ Thuận 2 đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của vùng đất này. Từ vùng trũng về giao thông, giờ đây, diện mạo đường sá ở ĐBSCL đã hoàn toàn khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, với sự quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, một khối lượng công việc rất lớn được các bộ ngành, địa phương hoàn thành để nhiều tuyến đường cao tốc ở ĐBSCL hình thành. Đường cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau đã được khởi công vào đầu năm 2023. Dự kiến sau 3 năm xây dựng, đường cao tốc này sẽ thông tuyến từ Bắc chí Nam, tạo nên trục xương sống của vùng. Ngoài ra, 2 trục dọc đường bộ khác đã và đang dần hoàn thiện. Đó là trục Tây - Bắc với 2 đoạn tuyến đã hình thành gồm Cao Lãnh - Lộ Tẻ và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; trục Đông - Nam với các tuyến quốc lộ 50, quốc lộ 60 và quốc lộ 1A (đoạn Sóc Trăng - Cà Mau), quốc lộ 91B (hành lang Nam sông Hậu).
Các trục dọc đang giúp tăng kết nối không gian liên kết vùng, kéo ĐBSCL gần với đầu tàu phát triển kinh tế TPHCM và cả vùng Đông Nam bộ. Trong khi các trục dọc đã dần định hình và thông suốt, hệ thống hạ tầng giao thông ở đây vẫn thiếu những trục liên kết ngang, vì vậy, không gian phát triển bị chia cắt, khiến tiềm năng của vùng đất này chưa thể bứt phá. Nhìn nhận vấn đề này, Quốc hội, Chính phủ đã phê duyệt gần 50.600 tỷ đồng, hình thành 2 trục liên kết ngang là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) với tổng chiều dài khoảng 189,48km và cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (giai đoạn 1) với tổng chiều dài tầm 27,4km.
2. Giao thông đi trước, mở đường để phát triển kinh tế - xã hội. Châu thổ sông Cửu Long không chỉ được biết đến như một trung tâm nông nghiệp lớn nhất ở Việt Nam mà còn có tầm ảnh hưởng đến phạm vi toàn cầu. Hiện nay, ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu. Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, từ khi có Nghị quyết 120 của Chính phủ vào cuối năm 2017, ĐBSCL mới được quy hoạch lại vùng dễ bị hạn và bị ngập mặn hàng năm dọc theo biển thành vùng lúa và tôm.
Các mô hình sản xuất “thuận thiên” đã giúp lợi tức của nông dân tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, ĐBSCL vẫn đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Để khắc chế, những năm qua, ngành nông nghiệp ĐBSCL đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Công nghệ cao, Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang được ứng dụng trong từng khâu hoặc trong cả chuỗi sản xuất để mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Công nghệ sinh học đã góp phần chọn tạo được nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt có sức chống chịu với thay đổi thời tiết, dịch bệnh cao. Công nghệ in vitro trong nhân giống cây trồng quy mô công nghiệp đã cho ra số lượng lớn, đồng đều, giảm giá thành cây giống. Ứng dụng AI, điện toán đám mây đã đưa sản xuất nông nghiệp truyền thống trở thành cánh đồng thông minh…
3. TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nhận định: Trong nhiều năm qua, có rất nhiều ý kiến về những thách thức đối với ĐBSCL như cạn kiệt nguồn tài nguyên, đất, nước, và môi trường; số lượng, chất lượng nhân khẩu và lao động suy giảm; thiếu nguồn lực đầu tư hay hạ tầng cơ sở; khoa học - công nghệ đang thua kém nhiều vùng miền khác. ĐBSCL dường như đang “chìm” về phương diện kinh tế, tài nguyên và môi trường, đây là những thách thức lớn nhất đối với ĐBSCL.
Trước thách thức trên, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 287 về Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó đã xác định mục tiêu phát triển vùng theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên 3 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường. Nội hàm của Quyết định 287 chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên, hướng tới một mô hình kinh tế xanh, lấy “con người” làm trung tâm.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng ngành nông nghiệp ĐBSCL cần phải thay đổi tư duy “sản lượng đứng nhất nhì thế giới” bằng tư duy mới. Nếu muốn phát triển bền vững, ngành nông nghiệp cần chuyển đổi quan niệm và cấu trúc dựa trên việc phát triển những giá trị khác ngoài sản lượng. Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, để phát triển bền vững, ĐBSCL cần cách tiếp cận phát triển mới như tăng cường năng lực chống chịu, xây dựng nguồn lực để bảo vệ đất, bảo vệ nguồn nước và an toàn cuộc sống. Trong đó, ưu tiên bậc nhất là giữ đất, giữ nước và “thuận thiên”.
Năm 2024 - năm con Rồng, cùng với sự chuyển mình mạnh mẽ, vùng đất Chín Rồng sẽ vượt qua thách thức, vươn lên phát triển, để người dân châu thổ tự hào sống và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.