Doanh nhân nữ hiện chiếm 58% giới doanh nhân của châu Phi, đóng góp khoảng 13% GDP của lục địa này. Nam Phi và Ghana nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất trên toàn cầu. Phụ nữ ngày càng trở thành động lực quan trọng của phát triển, không những thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn giúp đưa mọi người thoát khỏi đói nghèo.
Mặc dù vậy, phụ nữ châu Phi vẫn bị kìm hãm bởi những ràng buộc xã hội. Các doanh nhân nữ thu nhập vẫn ít hơn nhiều so với các đồng nghiệp nam. Để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 5 của Liên hiệp quốc (SDG 5), “đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái” vào năm 2030, các bên liên quan phải tạo ra một môi trường hòa nhập hơn cho các doanh nhân nữ.
Mới đây, Nigeria đã lập quỹ đầu tư Alitheia Capital 100 triệu USD, cung cấp vốn xúc tác cho danh mục đầu tư đa dạng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo trên khắp châu Phi. Tương tự, mạng lưới Doanh nhân phát triển Aspen, với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã khởi động Sáng kiến bình đẳng giới ANDE giúp củng cố các tổ chức trung gian cung cấp một loạt các dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh cho các nữ doanh nhân ở các nền kinh tế đang phát triển.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, sản lượng lương thực và an ninh lương thực của châu Phi đang ở mức thấp đáng kinh ngạc do hạn hán làm mất nguồn nước tưới thiết yếu của cây trồng ở một số vùng, bên cạnh đó là các thảm họa thiên nhiên khác. Nhiều phụ nữ châu Phi thông minh, tận tụy có kiến thức đã giúp thúc đẩy ngành nông nghiệp trên lục địa này, giảm bớt nạn đói trên khắp lục địa. 2 trong 7 phụ nữ châu Phi vừa được Hiệp hội Xóa đói giảm nghèo châu Phi (CAMFED) vinh danh là những người “Thay đổi tương lai canh tác nông nghiệp châu Phi” là chị Martha Fanny Gaisie, người Ghana và chị Miriam Nyati, người Malawi.
Vượt qua rất nhiều gian khó, chị Gaisie hiện là người sáng lập và Giám đốc điều hành doanh nghiệp mang tên Healthy Choice Agro Consult chuyên trồng nấm sò. Chị thành lập doanh nghiệp sau khi chứng kiến tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu đối với cộng đồng của mình. Chị dùng mùn cưa phế thải từ các nhà máy gỗ gần đó làm phân, sau khi thu hoạch nấm, đất trồng nấm sẽ trở thành phân bón hữu cơ bán cho các trang trại trong cộng đồng. Công việc kinh doanh của chị Gaisie ngày càng phát đạt. Chị còn giúp cộng đồng phát triển kỹ năng trồng nấm và tham gia nhiều dự án xã hội, đóng góp 5% lợi nhuận kinh doanh cho tổ chức thanh niên địa phương, đặc biệt chú trọng trao quyền cho phụ nữ trẻ ở các cộng đồng nông thôn. Trong 5 năm tới, Gaisie hy vọng sẽ mở rộng quy mô công ty như xây thêm nhà kính và sản xuất các loại nông sản khác.
Còn chị Miriam Nyati là chuyên gia nông nghiệp bền vững. Chị là người đầu tiên trong gia đình hoàn thành chương trình phổ thông, sau đó bắt đầu kinh doanh đồ chiên để có tiền học đại học và tìm việc làm. Công việc chính của chị là giúp những người nông dân các phương pháp canh tác nông nghiệp hiệu quả. Theo chị, các phương pháp canh tác thông minh đóng một vai trò quan trọng trong nông nghiệp ngày nay, giúp tăng sản lượng và tăng cường an ninh lương thực, đồng thời bảo vệ môi trường.