Kenya vận chuyển ắc quy ô tô và xe tải sản xuất trong nước cũng như một lô hàng nông sản đến Ghana trong những tháng qua. Rwanda cũng đã xuất khẩu hạt cà phê chế biến sang Ghana. AfCFTA là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1-1-2021. Nhưng việc triển khai thị trường chung của lục địa đã bị trì hoãn vì nhiều lý do, từ đại dịch Covid-19 cho đến việc không thống nhất về quy tắc xuất xứ đối với một số dòng sản phẩm.
Thương mại nội bộ châu Phi chỉ chiếm khoảng 15% tổng thương mại châu lục này với thế giới. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới, chẳng hạn như châu Âu là 67% và châu Á là 60%. Theo AfCFTA, thuế xuyên biên giới đối với 90% hàng hóa được giảm chậm nhất vào năm 2030, nhiều sản phẩm sẽ được loại bỏ sớm hơn.
Nhưng thuế quan chỉ là một trong nhiều rào cản đối với thương mại trên khắp châu Phi. Hậu cần là một trở ngại lớn khác. Ví dụ, lô hàng pin đầu tiên mất 6 tuần để đi từ cảng Mombasa của Kenya đến Tema, Ghana. Vấn đề là không có đủ các con tàu lớn vận chuyển hàng hóa trực tiếp giữa các cảng của châu Phi. 3/4 hàng hóa của châu Phi được vận chuyển trên những con đường thường được xây dựng kém chất lượng. Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi, điều này làm tăng chi phí hậu cần trên lục địa, có thể làm tăng thêm 75% giá hàng hóa của châu Phi.
Igire Coffee, công ty Rwandan duy nhất xuất khẩu hàng hóa được chứng nhận của AfCFTA cho đến nay, cũng coi thỏa thuận thương mại tự do này là cơ hội để khám phá các thị trường chưa được khai thác ở Tây Phi. Công ty này đã vận chuyển bằng đường hàng không 105 kg hạt cà phê arabica rang “Made in Rwanda” đến Ghana, và sẽ còn nhiều chuyến bay tiếp theo. Giám đốc điều hành Igire Coffee, bà Briggette Harrington cho biết ở các quốc gia như Ghana và Nigeria, mọi người đang mua cà phê trồng ở châu Phi nhưng được vận chuyển ra nước ngoài để xử lý và đóng gói rồi lại vận chuyển trở lại, điều này làm tăng giá thành. Bà hy vọng bằng cách mở cửa thương mại nội vùng, AfCFTA sẽ khuyến khích nhiều công ty châu Phi gia tăng giá trị cho nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu thô dồi dào của châu lục này thay vì bán ra nước ngoài. Theo bà Briggette Harrington, các công ty phương Tây trả 6USD/kg cho hạt cà phê xanh, sau đó bán với giá từ 45 đến 50USD/kg sau khi chế biến. Những người phụ nữ bón phân, chăm sóc và thu hoạch cà phê có thể chỉ nhận được 2USD/kg.
Đồn điền dầu cọ Benso (BOPP) ở miền Tây Ghana đang thay đổi theo xu hướng tăng hàm lượng chế biến sản phẩm. Họ sử dụng khoảng 500 lao động trực tiếp và khoảng 1.500 người gián tiếp khác trồng dầu cọ, chế biến dầu cọ thô và dầu hạt cọ. Giám đốc BOPP Samuel Awonnea Avaala cho biết trong khi phần lớn dầu cọ được chế biến thành dầu ăn và tiêu thụ trong nước, BOPP chủ yếu xuất khẩu dầu hạt cọ, được sử dụng trong mỹ phẩm và xà phòng, sang cả các nước như Singapore, Tây Ban Nha và Canada.
Theo Liên hiệp quốc, mặc dù xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của châu Phi đã tăng trưởng nhanh nhất trong thập niên qua, nhưng vẫn ở mức thấp, chỉ chiếm 3% thương mại toàn cầu. Liên hiệp quốc cho rằng các nước châu Phi cần có một khung chính sách thương mại mới giúp mở rộng và đa dạng hóa khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu của khu vực, đồng thời tăng cường thương mại nội khối để giảm nghèo trên quy mô lớn và chuyển đổi nền kinh tế.