Theo Russia Today, trong cuộc hội đàm giải quyết cuộc xung đột Ukraine với phái đoàn ngoại giao cấp cao châu Phi ở St. Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow và Kiev đã đồng ý các điều khoản chung về quy chế trung lập, cũng như đảm bảo an ninh cho Ukraine trong các cuộc đàm phán hòa bình vào tháng 3-2022. Tuy nhiên, Kiev sau đó đột ngột hủy bỏ các tài liệu đã ký kết.
Sẵn sàng đối thoại
Đây cũng là lần đầu tiên Tổng thống Nga Putin công bố các tài liệu dự thảo đã được phái đoàn Nga và Ukraine thảo luận ở Thổ Nhĩ Kỳ hơn một năm trước. Theo ông Putin, văn bản có tên “Hiệp ước Trung lập vĩnh viễn và đảm bảo an ninh cho Ukraine” đã được phái đoàn Ukraine ký kết. Theo đó, Ukraine cam kết đưa trạng thái “trung lập vĩnh viễn” vào hiến pháp, trong khi Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Belarus sẽ là những quốc gia bảo đảm an ninh cho nước này.
Dự thảo cũng đề cập tới quy mô lực lượng vũ trang Ukraine. Nga đề xuất Ukraine duy trì lực lượng vũ trang thường trực gồm 85.000 binh sĩ và 15.000 lính vệ binh quốc gia, cùng 324 xe tăng, 1.029 xe thiết giáp, 96 hệ thống pháo phản lực, 50 chiến đấu cơ và 52 máy bay phụ trợ. Trong khi đó, Kiev muốn sở hữu quân đội gồm 250.000 người, 800 xe tăng, 2.400 xe thiết giáp, 600 pháo phản lực, 74 chiến đấu cơ và 86 máy bay phụ trợ. Giới hạn các hệ thống tên lửa phòng không, pháo cối và vũ khí chống tăng cũng được đề cập trong thỏa thuận.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hòa bình đã đổ vỡ vào mùa xuân năm 2022, sau khi giới chức Ukraine cáo buộc quân đội Nga sát hại dân thường ở một số thành phố nhỏ xung quanh Kiev. Phía Moscow đã phủ nhận mọi cáo buộc.
Đề xuất hòa bình
Phái đoàn châu Phi gồm Tổng thống các nước: Nam Phi, Senegal, Zambia và Comoros cùng Thủ tướng Ai Cập đến Moscow sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev hôm 16-6. Tại đó, ông Zelensky tuyên bố các cuộc đàm phán chỉ có thể bắt đầu sau khi Moscow từ bỏ Crimea.
Trong các cuộc gặp với hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine, phái đoàn châu Phi đã công bố đề xuất hòa bình 10 điểm nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine.
Đề xuất bao gồm đàm phán hòa bình bằng các phương pháp ngoại giao, giảm leo thang tình hình, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia và dân tộc theo Hiến chương Liên hiệp quốc, đảm bảo an ninh cho tất cả các quốc gia, đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc, phân bón và các mặt hàng khác.
Đây là lần đầu tiên châu Phi tham gia vào các nỗ lực hòa giải giữa Nga và Ukraine kể từ khi xung đột giữa hai nước bùng phát hồi tháng 2-2022. Sứ mệnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với châu lục vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp thực phẩm và phân bón từ Nga và Ukraine.