Trong khi đó, Iran tuyên bố nước này sẽ chính thức gia nhập Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) vào tháng 10.
Không nhượng bộ
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, ngày 31-8, cho biết Mỹ có thông tin đáng tin cậy khẳng định rằng tàu chở dầu Adrian Darya 1 của Iran đã đi về hướng Syria. Theo Washington, tàu chở dầu này phục vụ các lợi ích của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, vốn bị Mỹ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố.
Ngày 31-8, trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ không liên quan đến vụ tên lửa đẩy mang vệ tinh Iran nổ trên bệ phóng và ông “chúc Iran may mắn trong việc phát hiện ra lỗi sai sót của vụ phóng” trước đó vài ngày.
Tàu Adrian Darya 1, còn có tên gọi là khác là Grace 1, từng bị Hải quân Hoàng gia Anh và chính quyền Gibraltar (vùng lãnh thổ thuộc Anh) giữ từ ngày 4-7 với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) chở dầu tới Syria.
Tuy nhiên, ngay sau khi chính quyền và Tòa án Tối cao Gibraltar đã thả tàu này ngày 15-8, Bộ Tư pháp Mỹ công bố lệnh bắt giữ tàu Adrian Darya 1 và có ý định tịch thu toàn bộ số dầu trên tàu, do vi phạm Đạo luật Quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA).
Hãng tin Anh Reuters cho biết sắc lệnh trên được ban ra ngày 31-8, chỉ 1 ngày sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo, Iran đã gia tăng lượng dự trữ urani làm giàu, trong khi tiếp tục tinh chế chất này vượt mức được cho phép trong thỏa thuận hạt nhân mà nước này ký với các cường quốc thế giới, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Báo cáo của IAEA cho biết gần 2 tháng sau khi vượt qua 2 giới hạn nêu trên, hiện Iran đã tích lũy được 241,6kg urani làm giàu và tăng mức độ làm giàu lên tới 4,5%. Tuy nhiên, vẫn thấp hơn nhiều so với mức 20% mà Iran đạt được vào thời điểm trước khi ký thỏa thuận hạt nhân.
Iran tham gia EAEU
Tuy nhiên, ngày 30-8, sau cuộc hội đàm với những người đồng cấp Pháp và Anh, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết các nước châu Âu sẽ tăng cường các nỗ lực ngoại giao để cứu vãn JCPOA đang bị đe dọa.
Các ngoại trưởng của Anh, Pháp và Đức - 3 nước châu Âu tham gia thỏa thuận hạt nhân, đã cùng thảo luận với Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini bên lề cuộc hội nghị các ngoại trưởng của EU tại Helsinki.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết 3 nước muốn duy trì động lực từ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới cuối tuần trước, tại đó Tổng thống Donald Trump thể hiện sẵn sàng đối thoại với Iran.
Châu Âu đã nhiều lần cam kết cứu vãn thỏa thuận, nhưng những nỗ lực để bảo vệ nền kinh tế của Iran trước việc áp đặt các biện pháp trừng phạt của Mỹ cho đến nay đã mang lại rất ít kết quả.
Trong một diễn biến khác, ngày 30-8, hãng thông tấn Tasnim dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Iran Reza Ardakanian cho biết, nước này sẽ chính thức gia nhập Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) vào tháng 10. Sau khi Iran gia nhập EAEU, 864 sản phẩm khác nhau sẽ nằm trong phạm vi của hiệp định ưu đãi thương mại giữa 2 bên.
Ngoài ra, thỏa thuận cũng cho phép áp thuế 0% đối với 70 sản phẩm xuất khẩu của Iran, trong khi 503 mặt hàng khác sẽ được hưởng những mức thuế thấp hơn.