Chậm chân so với Mỹ
Ông Pacome Revillon, Chủ tịch Novaspace, công ty tư vấn chính tại châu Âu trong lĩnh vực vũ trụ, cho biết mục tiêu chính của IRIS2 là cung cấp dịch vụ thông tin liên lạc tốc độ cao và an toàn cho cơ quan chính phủ các nước, đồng thời mở rộng sang các đối tượng khác. IRIS2 có một số điểm tương đồng với Starlink của công ty Mỹ SpaceX, là chùm vệ tinh ở quỹ đạo thấp cho phép truy cập internet tốc độ cao. Dù IRIS2 dự kiến sẽ bao gồm 290 vệ tinh, ít hơn nhiều so với hàng ngàn vệ tinh của Starlink, nhưng IRIS2 nổi trội hơn về mức độ an toàn tăng cường để phục vụ chính phủ các nước và các tổ chức dân sự hay quân sự.
Có nhiều ý kiến cho rằng Liên minh châu Âu (EU) đang tụt lại rất xa trong cuộc cạnh tranh với Mỹ, cụ thể là với chùm vệ tinh Starlink của SpaceX và chùm vệ tinh Kuiper của Tập đoàn Amazon. Theo ông Pacome Revillon, vì nhiều lý do, trước đây châu Âu không có nhiều động lực so với các công ty của Mỹ trong lĩnh vực vệ tinh cỡ nhỏ, đặc biệt là không đầu tư mạnh vào các hệ thống này. Do đó, khoảng cách chênh lệch với Mỹ là rất lớn. EU hiện ít có khả năng phát triển một chùm vệ tinh mà quy mô có thể sánh với chùm vệ tinh của SpaceX hoặc Amazon để triển khai ở châu Âu. Trên thực tế, một trong những mục tiêu của EU là: một mặt triển khai các phương tiện bảo đảm tính tự chủ, để không lệ thuộc vào các cường quốc khác, mặt khác nhằm phát triển các năng lực công nghiệp và duy trì khả năng của EU về không gian.
Lo Trung Quốc vượt mặt
Chủ tịch của Novaspace lưu ý hiện đang diễn ra một cuộc cách mạng công nghệ trong lĩnh vực vũ trụ. Đó là một cuộc cách mạng kỹ thuật số, với nhiều phương thức sản xuất mới được ứng dụng vào không gian (ví dụ như các vệ tinh nhỏ và chùm vệ tinh). Điều này đặt ra một thách thức đối với các doanh nghiệp truyền thống và đặt ra câu hỏi về nhu cầu và các đơn đặt hàng công. Mỹ có ngân sách không gian lên tới hàng chục tỷ USD, cao gấp 5-10 lần so với châu Âu. Trong bối cảnh như vậy, đối với các nhà công nghiệp của châu Âu, chắc chắn là có những thách thức về nghiên cứu và phát triển, năng lực sáng chế.
Trong khi đó, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai một chùm vệ tinh quỹ đạo thấp và đang có dự án tương tự thứ hai. Theo ông Paceme Revillon, thông qua các chương trình này, Trung Quốc có tham vọng triển khai vài chục ngàn vệ tinh, tức là những chùm vệ tinh cực kỳ lớn. Khoảng 10 năm, Trung Quốc rõ ràng là thua châu Âu về vệ tinh liên lạc. Tuy nhiên, hiện giờ Trung Quốc đã bắt kịp và có khả năng vượt châu Âu trong những năm tới đây. Hiện EU chưa hẳn là thua Trung Quốc, nhưng nếu không có nhiều sáng chế, đổi mới và đầu tư đầy đủ, EU có nguy cơ tụt hậu so với Trung Quốc trong những năm 2030.