Ủy viên phụ trách vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni nhấn mạnh, mục tiêu của những quy tắc trên là nhằm siết chặt quản lý các công ty vốn được sử dụng để né hoặc trốn thuế. Các công ty “bình phong” hoặc “vỏ bọc” là những công ty chỉ tồn tại trên giấy tờ, thường không có văn phòng, không có hoạt động kinh doanh thật sự, nhân sự hầu như không có, người đại diện thường được thuê hoặc ủy thác và đăng ký kinh doanh ở các “thiên đường thuế”.
Mục đích phổ biến nhất của các công ty dạng này là tận dụng thuế suất rất thấp, hoặc không có, cũng như sự bảo mật thông tin để trốn thuế ở các “thiên đường thuế”. Bên cạnh đó, cũng có một số mục đích khác như rửa tiền, thực hiện các giao dịch tài chính phi pháp. Các doanh nhân dùng các công ty “ma” để bảo toàn tài sản của mình thông qua việc mua các tài sản có nhiều giá trị như bất động sản, du thuyền, hay thời thượng là các tác phẩm nghệ thuật, hoặc thu xếp tài sản thừa kế. Thậm chí, các công ty “bình phong” còn được lập ra để thực hiện một số mục tiêu kinh tế, chính trị của một quốc gia.
Kế hoạch trên cần nhận được sự phê chuẩn cuối cùng của Nghị viện châu Âu và tất cả 27 quốc gia thành viên EU trước khi có hiệu lực từ năm 2024 như mục tiêu đề ra. Bộ quy tắc mới đánh giá theo 3 tiêu chí: thu nhập thụ động của công ty, kiểm tra xem hầu hết các giao dịch của công ty này có được tiến hành xuyên biên giới hay không và việc quản lý và điều hành công ty có được thuê ngoài hay không. Nếu vướng vào cả 3 mục trên, công ty đó sẽ bị coi là một công ty “vỏ bọc” phải thực hiện các nghĩa vụ báo cáo thuế mới và không được hưởng giảm thuế.
Ngoài ra, một quốc gia EU có thể yêu cầu một quốc gia thành viên khác kiểm tra việc nộp thuế của một công ty nếu thấy có dấu hiệu đáng nghi ngờ. Chẳng hạn, một doanh nghiệp có khả năng cao là công ty “bình phong” khi nhận được hơn 75% doanh thu toàn cầu ở nơi khác, chứ không phải từ hoạt động kinh doanh của công ty, hoặc nếu hơn 70% tài sản của công ty là bất động sản đắt tiền, hay cổ tức có giá trị cao.
Ủy viên Gentiloni cũng cho biết, mức thuế tối thiểu 15% sẽ được áp dụng đối với các công ty đa quốc gia ở EU, theo chỉ thị do EC đề xuất ngày 22-12. Chỉ thị này sẽ đảm bảo mức thuế tối thiểu 15% đối với các công ty lớn, sẽ được áp dụng theo cách hoàn toàn tương thích với luật của EU.
Theo đó, bất kỳ tập đoàn lớn nào, trong nước hoặc quốc tế, với tổng doanh thu tài chính trên 750 triệu EUR (850 triệu USD) mỗi năm, có công ty mẹ hoặc công ty con đặt tại một quốc gia thành viên EU, sẽ phải tuân theo quy tắc được đề xuất. Để chỉ thị có hiệu lực cần sự nhất trí thông qua của các nước thành viên EU. Nghị viện châu Âu, Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Âu cũng sẽ được tham vấn.
Mức thuế tối thiểu 15% áp dụng với các tập đoàn đa quốc gia được đề ra giữa các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và sau đó đã được nhóm G20 thông qua. Mục tiêu là giải quyết những thách thức về thuế của nền kinh tế kỹ thuật số.