Trở ngại mới
Phát biểu của bà Merkel được đưa ra tại Croatia, nơi bà đang có chuyến công du nước ngoài để vận động cử tri trước kỳ bầu cử. Trong chiến dịch vận động tranh cử lần này, Thủ tướng Merkel đã lui về sau để ủng hộ cho người đồng hương Manfred Weber, hiện là ứng cử viên hàng đầu chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Trong chiến dịch vận động tại thủ đô Zagreb (Croatia), ông Weber công khai tuyên bố không dựa vào lá phiếu của các đảng cực hữu để giành thắng lợi. Đồng quan điểm với bà Merkel, ông Weber thường bày tỏ quan điểm cho rằng các đảng cực hữu và những người theo chủ nghĩa dân túy sẽ chia rẽ một châu Âu thống nhất. Đây cũng là quan điểm chung của lực lượng thân châu Âu ủng hộ châu Âu hội nhập, vốn bị lực lượng ủng hộ tư tưởng hoài nghi châu Âu, gồm đảng cực hữu và dân túy, phê phán kịch liệt trước vòng bầu cử.
Thăm dò trước bầu cử cho thấy, phe thân châu Âu vẫn có khả năng chiếm đa số ghế tại nghị viện, nhưng việc các đảng có chủ trương chống hội nhập và hoài nghi châu Âu đang trỗi dậy sẽ giúp tăng thêm tỷ lệ ghế từ 10% hiện nay lên 14%. Tuy nhiên, vụ bê bối nhấn chìm đảng Tự do cực hữu của Áo được cho là sẽ hạn chế cơ hội nắm thêm lá phiếu trong vòng bầu cử nghị viện của phe cực hữu và dân túy. Chủ tịch của đảng này, Heinz-Christian, buộc phải từ chức Phó Thủ tướng Áo sau khi bị công bố đoạn video về hành vi mời chào các hợp đồng nhà nước để đổi lại sự hậu thuẫn về chính trị. Ngoài việc khiến liên minh chính trị bảo thủ- cực hữu tại Áo có nguy cơ đổ vỡ, bê bối này còn dấy lên nghi kỵ về quan điểm sẵn sàng bảo vệ lợi ích, đảm bảo cuộc sống của người dân và chống tham nhũng của phe cực hữu trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu.
Nhiều thách thức
Đây là kỳ bầu cử quan trọng bởi nó được xem là vòng trưng cầu dân ý về thái độ của người dân sẽ ngả theo xu hướng nào trong thời gian tới. Cuộc thăm dò do Liên minh Báo chí tại châu Âu thực hiện cho thấy gần 50% cử tri châu Âu lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy. Khoảng 61% số người được thăm dò nghĩ rằng việc đất nước họ là thành viên của EU là một điều tốt đẹp. Cũng theo kết quả điều tra, các cử tri của EU cho rằng các thách thức lớn nhất của khối này hiện nay là vấn đề nhập cư, khí hậu, hòa bình và an ninh. Theo họ, những vấn đề này cần phải được ưu tiên xử lý ở cấp độ châu Âu chứ không phải ở cấp độ quốc gia.Về vấn đề tiếp nhận người tị nạn tới từ các khu vực khủng hoảng, 46% người được hỏi cho rằng không nên tiếp tục, trong khi 25% cho rằng nên tiếp tục việc này.
Bên cạnh đó, thách thức không nhỏ trong vòng bầu cử lần này là thái độ còn thờ ơ của cử tri châu Âu. Số lượng cử tri tham gia bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) đã giảm liên tục, từ 62% năm 1979 xuống mức thấp kỷ lục là 42% vào năm 2014. Mới đây, trong một nghị quyết được thông qua tại phiên toàn thể, Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Âu (CESE) kêu gọi những giải pháp để khuyến khích các công dân tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới. Nghị quyết nêu rõ để bảo vệ các giá trị của EU như dân chủ, quyền con người, nhà nước pháp quyền và tự do ngôn luận, thì trước tiên các các công dân phải thực hiện quyền bỏ phiếu của mình.