Chỉ 36 giờ sau khi lực lượng nổi dậy Syria tuyên bố chiếm thủ đô Damascus, Chính phủ Đức đã đình chỉ quyết định đối với hơn 47.000 đơn xin tị nạn đang chờ xử lý của người Syria. Sau đó, Pháp, Anh, Italy và một số nước khác cũng có hành động tương tự. Các quyết định này đã làm gia tăng sự lo lắng trong số hơn 1,5 triệu người Syria đã định cư tại châu Âu kể từ khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu năm 2011.
Đặc biệt đáng báo động là những phát biểu của Bộ trưởng Nội vụ Áo Gerhard Karner khi ông chỉ thị chuẩn bị một chương trình “hồi hương và trục xuất có trật tự” người Syria. Giới quan sát cho rằng, các chính phủ ở châu Âu dường như đang tận dụng thời điểm ông Assad bị lật đổ để giải quyết tình trạng bất an ngày càng gia tăng của công chúng về tỷ lệ nhập cư cao.
Theo Cơ quan tị nạn của Liên minh châu Âu (EUAA), có hơn 108.000 trường hợp người Syria xin tị nạn tại các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tính đến cuối tháng 10-2024.
Bà Anastasia Karatzas, nhà phân tích chính sách tại Trung tâm chính sách châu Âu (EPC) có trụ sở tại Brussels, lưu ý rằng, EU gần đây đã tăng cường nỗ lực hồi hương nhiều người tị nạn trước khi ông Assad bị lật đổ, mặc dù nhu cầu về lao động ở nhiều nước châu Âu rất lớn. Theo bà, có một nhu cầu cấp thiết trên khắp EU là giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, nhưng cũng phải giải quyết tình trạng bóc lột lao động, đặc biệt là với lao động nhập cư bất hợp pháp.
Riêng với nước Đức, việc hòa nhập một lượng lớn người tị nạn Syria, khoảng 972.000 người, trong một thời gian ngắn, chắc chắn là một thách thức. Người tị nạn gặp khó vì sự chậm trễ kéo dài trong khi chờ các quyết định xin tị nạn, khó khăn trong học tiếng Đức và lấy được các bằng cấp được công nhận trước khi tham gia lực lượng lao động. Những việc như vậy phải mất nhiều năm. Hơn nữa, triển vọng việc làm của người tị nạn thường chỉ giới hạn ở các vị trí lao động phổ thông.
Theo Viện nghiên cứu việc làm (IAB) Đức, đa số người Syria khi đến Đức làm các công việc có kỹ năng thấp. Tỷ lệ người có việc làm giảm vì một số lượng lớn người mới đến gần đây vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình hội nhập.
Khảo sát của IAB, hơn 90% người tị nạn sinh ra tại Syria nhập cảnh vào Đức trong giai đoạn 2013-2019 cho biết, muốn ở lại vĩnh viễn. Gần 40% người tị nạn Syria đã sống ở Đức từ năm 2015 trở về trước, hình thành mạng lưới xã hội, việc làm ổn định và đưa nhiều người trong gia đình đến. Những người chưa hòa nhập vào châu Âu hoặc không tìm được việc làm trong thời gian hợp lý có thể sẽ phải quay trở lại Syria.
Nhà lập pháp bảo thủ người Đức Jens Spahn đề nghị Chính phủ Đức hỗ trợ người hồi hương Syria với khoản tiền tái định cư là 1.000EUR cho mỗi người và sử dụng máy bay do chính phủ thuê. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, không nên thực hiện nỗ lực hồi hương quy mô lớn người Syria khi tình hình tại đất nước này chưa ổn định, vì điều đó có thể làm xáo trộn thị trường lao động của các nước châu Âu.