Cuộc chiến né bản quyền
Mặc dù việc cấp bằng sáng chế cho thực vật là bất hợp pháp ở Liên minh châu Âu (EU), nhưng những loại cây được tạo ra bằng phương tiện công nghệ lại được phân loại là cải tiến kỹ thuật và do đó, vẫn có thể được cấp bằng sáng chế. Điều này có nghĩa những người nhân giống quy mô nhỏ không còn có thể tự do trồng những hạt giống này hoặc sử dụng chúng cho mục đích nghiên cứu mà không phải trả phí cấp phép.
Khoảng 1.200 loại hạt giống có thể được lai tạo tự nhiên đã và đang được cấp bằng sáng chế trên khắp châu Âu, vì các công ty hóa chất nông nghiệp tuyên bố tạo ra chúng thông qua các cải tiến kỹ thuật. Văn phòng Sáng chế châu Âu (EPO) được biết đến là nơi chủ yếu cấp những bằng sáng chế dạng này. Phạm vi hoạt động của EPO bao gồm 39 quốc gia, vượt ra ngoài 27 quốc gia thành viên EU. EPO sẽ quản lý việc phê duyệt các bằng sáng chế châu Âu thông qua một quy trình tập trung. Hậu quả là, với sự kiểm soát tập trung đối với hạt giống, tính đa dạng di truyền sẽ giảm đi, vì các nhà lai tạo vừa và nhỏ có ít vật liệu di truyền hơn để làm việc. Điều này có thể dẫn đến giảm khả năng chống chịu các thảm họa khí hậu và gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm.
Frans Carree, một nhà lai tạo hữu cơ tại Công ty Hà Lan De Bolster, đang cố gắng phát triển một loại cà chua kháng virus gây bệnh quả nâu nhăn. Tuy nhiên nỗ lực của ông đang bị cản trở bởi hàng chục đơn xin cấp bằng sáng chế về khả năng kháng bệnh này từ các công ty đa quốc gia như BASF, Bayer và Syngenta. Mặc dù các bằng sáng chế vẫn chưa được cấp nhưng chúng tạo ra sự bất ổn về mặt pháp lý và khoản đầu tư của F.Carree sẽ khó đạt hiệu quả. Trong nhiều năm, các nhà lai tạo nhỏ, nhóm nông dân và tổ chức môi trường đã cảnh báo rằng ngày càng có nhiều vật liệu sinh học được tư nhân hóa thông qua bằng sáng chế.
Để đáp lại, năm 2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành thông báo giải thích về Chỉ thị Công nghệ sinh học năm 1998, nêu rõ “các sản phẩm thu được bằng các quy trình sinh học cơ bản” không được cấp bằng sáng chế. Từ đó, EPO đã tuân theo diễn giải của ủy ban và cấm cấp bằng sáng chế đối với các loại cây trồng được lai tạo theo phương pháp thông thường, một quyết định được các nhà lai tạo và nông dân hoan nghênh.
Trong nguy có cơ
Việc chống chọi hoặc né tránh các đặc điểm về hạt giống theo yêu cầu của bằng sáng chế gây thêm phiền hà cho nhà nông, vốn đã gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp; nhưng đây cũng là một trong những nhân tố thúc đẩy nông dân tìm hướng đi mới, nhất là trong canh tác hữu cơ. Canh tác hữu cơ hiệu quả hơn canh tác đất truyền thống ở một số khu vực, đặc biệt khi muốn giữ cho đất đai màu mỡ, tích tụ chất dinh dưỡng hoặc tránh những tác hại của phân bón nhân tạo một cách tốt nhất có thể. Ở nước Anh và xứ Wales, canh tác ngũ cốc, trái cây và rau hữu cơ sẽ trực tiếp giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống mức 20%, khí thải từ chăn nuôi sẽ giảm khoảng 4%.
Các doanh nghiệp nông nghiệp ở châu Âu đều cần sự hỗ trợ của ngân sách quốc gia và của cả khối. Chính sách nông nghiệp chung là hạng mục lớn nhất trong ngân sách của EU. Cứ 7 năm một lần, các quốc gia EU đàm phán lại cách họ muốn hỗ trợ nông dân của mình. Các chủ trang trại cho biết tầm quan trọng cực kỳ của các khoản trợ cấp này, nhất là khi thời tiết khắc nghiệt. Lợi nhuận trung bình hàng năm của một doanh nghiệp nông nghiệp Đức là 115.000EUR, nhưng tăng giảm thất thường, có khi tụt xuống chỉ còn 20.000EUR do chi phí tăng giá, rủi ro dịch bệnh, thời tiết...
Ngày càng có nhiều trang trại ở Đức hoạt động theo hướng hữu cơ. Năm 2023, theo Văn phòng Thống kê Liên bang, khoảng 1/10 trang trại ở Đức - tức khoảng 28.700, vận hành canh tác hữu cơ. Theo các nhà thống kê, diện tích canh tác hữu cơ ở Đức tăng đặc biệt mạnh. Trong khi năm 2020 có 1,6 triệu ha thì diện tích gần đây đã tăng lên 1,85 triệu ha. So với tổng diện tích nông nghiệp của Đức là 16,6 triệu ha, tỷ trọng diện tích canh tác hữu cơ đã tăng từ 9,6 lên 11,2%. Số lượng trang trại hữu cơ trong chăn nuôi cũng tăng 11% lên khoảng 19.200 trang trại trong khoảng thời gian từ 2020 đến 2023.