Không chỉ Thụy Điển, nhiều quốc gia ở châu Âu đang phải tìm cách tăng thêm nguồn cung nhà để tránh tình trạng giá nhà tăng cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Tại Berlin (Đức), chính quyền thành phố này đang lên kế hoạch xây dựng hơn 5.000 căn hộ trên nền đất của sân bay Tegel (ngừng hoạt động từ tháng 11-2020). Nhà chức trách cũng đang xem xét khả năng xây dựng nhà ở xã hội ở sân bay Tempelhof cũ tại trung tâm thủ đô Berlin.
Theo Global Property Guide, một trang web nghiên cứu về bất động sản nhà ở, giá bất động sản tại Berlin đã tăng 11% so với năm ngoái. Giá thuê nhà tăng là một vấn đề lớn đối với thành phố, nơi chỉ có khoảng 17,4% dân số sở hữu nhà hoặc căn hộ. Thương nghị sĩ Sebastina Scheel, phụ trách phát triển nhà ở của Berlin, cho hay, trong trung hạn, Berlin cần thêm khoảng 200.000 căn hộ.
Bất chấp những ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra cho các nền kinh tế châu Âu, giá bất động sản tại khu vực vẫn tăng mạnh trong năm ngoái, nếu so sánh với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Nhu cầu từ những người làm việc tại gia đang khao khát có không gian dành làm văn phòng làm việc đã góp phần đẩy giá nhà tăng cao. Trong khi đó, các gói kích thích tài chính và tiền tệ chưa từng có nhằm mục đích giữ cho nền kinh tế phát triển, lại như “đổ thêm dầu vào lửa”.
Tại Anh, Bộ trưởng Tài chính nước này Rishi Sunak đã gia hạn việc cắt giảm tạm thời thuế mua bất động sản và công bố một kế hoạch mới để giúp những người mua lần đầu gặp khó khăn do tiền đặt cọc tăng. Hồi tháng 4, Anh đã ghi nhận mức tăng giá nhà hàng tháng lớn nhất trong hơn 17 năm qua. Luxembourg, Moscow (Nga) và Bratislava (Slovakia) đều chứng kiến mức tăng 2 con số trong 12 tháng qua.
Ngân hàng Thụy Sĩ UBS cảnh báo, Munich, Frankfurt (Đức), Amsterdam (Hà Lan), Paris (Pháp) và Zurich (Thụy Sĩ) là những thành phố có nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản. 4 trong số 12 thành phố ở châu Âu, nằm trong chỉ số bong bóng bất động sản toàn cầu của UBS, được định giá quá cao. Chỉ có các thành phố Warsaw (Ba Lan), Milan (Italy) và Madrid (Tây Ban Nha) có giá bất động sản hợp lý.
Tuần này, Ngân hàng Trung ương Phần Lan đã cảnh báo về mức nợ hộ gia đình, làm dấy lên lo ngại tại Ngân hàng Riksbank của Thụy Điển và nhiều chính quyền châu Âu khác về mối đe dọa đối với hệ thống tài chính.
Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), mức nợ hộ gia đình tại các nước Bắc Âu đang ở một trong những mức cao nhất trên thế giới so với thu nhập khả dụng. Các nhà phân tích cho rằng, cần có những thay đổi toàn diện hơn về cơ cấu để đưa thị trường nhà ở về trạng thái cân bằng.
Trong ngắn hạn, nhiều chuyên gia kinh tế hy vọng các ngân hàng trung ương sẽ đóng vai trò điều chỉnh thị trường, việc thắt chặt chính sách về lãi suất khiến việc đi vay trở nên khó khăn hơn. Ví dụ, ở New Zealand, giá nhà đã được cộng thêm vào khoản phí chuyển tiền của ngân hàng trung ương do lo ngại về thị trường bất động sản của nước này…