Châu Âu đẩy mạnh tự chủ quốc phòng

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang với nhiều mối đe dọa khác nhau, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Anh vừa tổ chức hội nghị thượng đỉnh không chính thức tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về tương lai phòng thủ của lục địa già.

Screenshot 2025-02-05 052053.png
Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Reuters, tại hội nghị, Tổng Thư ký NATO Mark Rutte đã thẳng thắn kêu gọi các nước châu Âu tăng cường đóng góp tài chính cho liên minh.

Lời kêu gọi này phản ánh sức ép từ Washington, dù đề xuất dành 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho ngân sách quốc phòng từ Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn bị nhiều quốc gia xem là “phi thực tế”, trong bối cảnh chi tiêu quân sự của EU đã tăng 20% kể từ sau khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine.

Tuy nhiên, Thủ tướng Bỉ Bart De Wever khẳng định nước này sẽ nỗ lực đạt được mục tiêu trong nhiệm kỳ hiện tại, trong khi NATO đang cân nhắc nâng mức cam kết này lên cao hơn.

Năm ngoái, các nước EU đã chi trung bình 1,9% GDP cho quốc phòng, tương đương khoảng 326 tỷ EUR - tăng 30% so với năm 2021.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa nhấn mạnh, đây là cơ hội để các quốc gia tăng cường hợp tác và tập trung giải quyết 3 thách thức cốt lõi gồm: nâng cao năng lực quốc phòng thông qua chiến lược phát triển công nghệ quân sự hiện đại và khả năng ứng phó độc lập với các mối đe dọa; tối ưu ngân sách quốc phòng; củng cố quan hệ EU - NATO thông qua việc xác định rõ vai trò và trách nhiệm của từng tổ chức trong công tác phòng thủ chung.

Hội nghị là bước khởi đầu trong hành trình dài hướng tới mục tiêu “châu Âu quốc phòng”, nhưng con đường hiện thực hóa tham vọng này còn nhiều chông gai, nhất là khi thế giới bước vào kỷ nguyên đa cực đầy bất ổn.

Ước tính khối này có thể cần phải chi thêm 500 tỷ EUR trong thập kỷ tới để lấp đầy những khoảng trống quan trọng trong hệ thống phòng thủ của châu Âu. Dù thống nhất về mục tiêu song cách thức triển khai vẫn là điểm gây tranh cãi.

EU vẫn phải đối mặt với rào cản nội bộ: chia rẽ về tài chính, áp lực chính trị từ các đảng cực hữu và sự phụ thuộc vào công nghệ quân sự Mỹ.

Tin cùng chuyên mục