Đây là nhận định của ông Piero Cipollone, thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Cipollone bày tỏ quan ngại về nguy cơ nước Mỹ sẽ tiến hành cuộc chiến thương mại toàn diện với Trung Quốc. Ông khẳng định đây là mối đe dọa nghiêm trọng với châu Âu hơn vấn đề lạm phát vì Trung Quốc chiếm 35% năng lực sản xuất của thế giới.
Đề cập đến việc Mỹ vừa áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc và động thái đáp trả của Bắc Kinh, ông Cipollone nhận định sự hạn chế trong việc tiếp cận thị trường Mỹ sẽ buộc Trung Quốc phải tìm thị trường khác và có thể hạ giá các sản phẩm tại châu Âu, kìm hãm tăng trưởng và giá cả tại đây.
Dù nhận định tranh chấp thương mại có thể kéo tăng trưởng kinh tế xuống, nhưng ông Cipollone cho rằng điều này không đủ mạnh để gây ra một cuộc suy thoái. Điều này là do các yếu tố khác của nền kinh tế đang cho thấy khả năng phục hồi.
Theo ông, thị trường lao động đang giữ vững, mức tiêu thụ có khả năng phục hồi, xây dựng mạnh mẽ, việc cắt giảm lãi suất đang tác động tích cực đến nền kinh tế và thậm chí ngành công nghiệp đang cho thấy dấu hiệu phục hồi sau suy thoái.
Trong khi đó, nhận định về chính sách lãi suất của ECB thời gian tới, ông Cipollone cho biết lãi suất có khả năng giảm thêm nữa khi lạm phát "hạ nhiệt". Tuy nhiên, ông cảnh báo có nhiều tác động trái chiều đồng thời ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu do đó không thể chắc chắn về động thái cụ thể nào vào lúc này.
Lạm phát khu vực đồng tiền chung Eurozone đã nhích lên 2,5% vào tháng 1 nhưng ECB dự kiến sẽ quay trở lại mức 2% vào mùa hè tới sau 4 năm cao hơn mức mục tiêu.