Hạn chế tiêu thụ
Trước đó, Pháp cảnh báo có khả năng Nga ngừng cung cấp hoàn toàn nguồn khí đốt cho châu Âu khi vài tuần qua, các đường ống dẫn khí từ Nga tới nước này đã khô cạn. Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire kêu gọi người dân tiết kiệm tiêu thụ năng lượng.
Theo tờ Les Échos, Chính phủ Pháp có kế hoạch trao cho nhà nước các đặc quyền trong trường hợp khẩn cấp về năng lượng, trong đó nhà nước có thể vận hành các nhà máy điện khí và kiểm soát việc cung cấp điện. Kể từ mùa thu năm ngoái tới nay, Pháp đã chi trên 20 tỷ EUR để kìm giá khí đốt nhằm hỗ trợ người tiêu dùng và biện pháp này sẽ được gia hạn tới cuối năm nay.
Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã cho phép Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha áp trần giá khí đốt để sản xuất điện trong một năm. Trần giá sẽ ở mức trung bình hàng năm là 48,80 EUR/MWh, nhưng sẽ được điều chỉnh theo thời gian. EC ước tính chi phí cho việc áp trần giá khí đốt là 8,4 tỷ EUR cho cả năm, trong đó 6,3 tỷ EUR cho Tây Ban Nha và số còn lại cho Bồ Đào Nha.
Tây Ban Nha cũng đã giảm thuế, phí và lệ phí đối với điện, cho phép các hộ gia đình có thu nhập thấp được giảm giá điện. Tất cả các biện pháp kết hợp với nhau sẽ giúp người dân tiết kiệm gần 30% so với mức giá không được hỗ trợ. Đối với Bồ Đào Nha, nhà nước sẽ đảm nhận 30% mức tăng giá khí đốt từ năm 2021 và 2022. Mỗi công ty sẽ nhận được tối đa 400.000 EUR, chính phủ sẽ cung cấp tổng cộng 160 triệu EUR cho khoản viện trợ này.
Phát triển năng lượng tái tạo
Trong khi đó, Italy chủ trương giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga bằng việc ký kết các thỏa thuận hợp tác với một số nước. Dự kiến, trong năm nay và năm tới sẽ có thêm 9 tỷ m3 khí được chuyển từ Algeria tới Italy qua đường ống chạy qua Tunisia đến đảo Sicily, cho tới nay mới chỉ vận hành một nửa công suất. Nhà cung cấp khí đốt nhà nước Eni đã hợp tác với Qatar để phát triển mỏ khí North Field East - dự án khí tự nhiên hoá lỏng lớn nhất trên thế giới với trữ lượng khoảng 45 tỷ m3, sẽ được khai thác từ năm 2025, trong đó một phần lớn sẽ được vận chuyển tới Italy bằng tàu thủy.
Rome cũng đang lên kế hoạch nhanh chóng mở rộng nguồn năng lượng tái tạo, với sản lượng 20 gigawatt được bổ sung mỗi năm. Để giảm sử dụng khí đốt sản xuất điện, 6 nhà máy điện than theo kế hoạch ngừng hoạt động vào năm 2025, phải vận hành với công suất lớn hơn kể từ đầu năm nay. Nhằm tiết kiệm năng lượng, Rome đã có quy định bắt buộc tất cả các tòa nhà công chỉ để nhiệt độ máy điều hòa không khí ở mức tối đa 25oC vào mùa hè này. Vào mùa đông, máy sưởi chỉ được phép để từ 19-21oC thay vì từ 20-22oC như trước đây. Quy định bắt đầu có hiệu lực từ tháng 5 và trước mắt kéo dài đến cuối tháng 3-2023.
Đối với Đức, tới nay, bất chấp nguồn cung giảm, các cơ sở tích trữ khí đốt vẫn tiếp tục được lấp đầy, ở mức gần 63%. Giới chức Đức cũng kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng. Trong nửa đầu năm 2022, lượng tiêu thụ khí đốt ở Đức đã giảm 14%. Nước này cũng sẽ sử dụng ít khí đốt hơn để sản xuất điện, thay vào đó, các nhà máy điện than sẽ được sử dụng trong giai đoạn chuyển tiếp.
Vì mức độ phụ thuộc rất khác nhau ở các nước, nên các nước thành viên đã và sẽ có những chiến lược khác nhau nhằm tìm cách thay thế nguồn dầu và khí từ Nga.