Lượng khí đốt châu Âu mua từ Nga đã giảm mạnh từ 191 tỷ m3 khí đốt vào năm 2019 xuống 90 tỷ m3 trong năm nay. Tổ chức tư vấn và phân tích Wood Mackenzie dự báo, con số này có thể tiếp tục giảm xuống 38 tỷ m3 trong năm tới. Để đối phó với dự báo này, châu Âu đã chạy đua trữ khí đốt. Hiện các cơ sở lưu trữ ngầm ở châu Âu đã được lấp đầy tới 83,1%, cao hơn 11,55 điểm phần trăm so với mức trung bình của ngày này 5 năm trước, đạt 89,94 tỷ m3 khí đốt. Theo Cơ sở hạ tầng Khí đốt châu Âu (GIE), tính đến ngày 25-12 vừa qua, lượng khí đốt rút ra từ các cơ sở lưu trữ ngầm tại các nước châu Âu chỉ là 89m3, mức thấp nhất kể từ năm 2011 khi cơ quan này bắt đầu theo dõi, trong khi lượng khí đốt bơm vào là 222 triệu m3.
Ngày 28-12, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga công bố mức giảm nhu cầu khí đốt toàn cầu trong năm 2022 ước tính khoảng 65 tỷ m3 và 55 tỷ m3 trong số này rơi vào 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU). Đây được xem là bằng chứng mới nhất cho thấy châu Âu đang đạt bước tiến trong nỗ lực chủ động giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga. Tuy nhiên, khả năng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của châu Âu đi vòng từ các nước khác cũng bị hạn chế do thiếu cơ sở hạ tầng có thể chuyển đổi chất lỏng trong các tàu chở LNG thành khí và bơm vào các đường ống dẫn khí.
Theo Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (Global Energy Monitor), Đức - nền kinh tế hàng đầu châu Âu, đã nhanh chóng đưa vào sử dụng cảng xử lý LNG đầu tiên vào tháng 12 này, trong khi các nước châu Âu khác cũng đã công bố kế hoạch xây dựng 26 cơ sở như vậy. Tuy nhiên, trong khi các cảng xử lý LNG đang được xây dựng thì vào năm 2023, châu Âu sẽ hoạt động mà không có khí đốt của Nga để lấp đầy các bể chứa.
Ngày 28-12, trả lời phỏng vấn Đài phát thanh France Inter, người đứng đầu Cơ quan giám sát năng lượng (CRE), bà Emmanuelle Wargon cho biết, lò phản ứng hạt nhân của Pháp đang trong quá trình bảo trì và sửa chữa, dự kiến sẽ đạt công suất phát điện 45 gigawatt (GW) trong tháng 1-2023. Chính phủ nước này đặt mục tiêu giảm 10% mức tiêu thụ năng lượng trên toàn quốc vào năm 2024, so với các mức năm 2019. Đây là một biện pháp trong khuôn khổ kế hoạch tiết kiệm năng lượng trên quy mô lớn. Trong kế hoạch này còn có các biện pháp khác như tắt đèn, điều chỉnh giảm nhiệt lượng các thiết bị sưởi ấm nhằm tránh cắt điện và khí đốt trong mùa đông.
Tại Đức, nơi 50% hộ gia đình sử dụng khí đốt để sưởi ấm, mức tiêu thụ giảm 20%-35% tùy theo tuần. Trong khi đó, Phần Lan từng nhập khẩu 1/3 nguồn năng lượng từ Nga, song giờ đây con số này gần như bằng 0. Nếu nhiệt độ xuống còn -20oC tại miền Nam và -30oC tại miền Bắc Phần Lan, nguy cơ thiếu điện là rất lớn. Để chuẩn bị cho mùa đông khắc nghiệt, người dân Phần Lan đã tích trữ máy bơm nhiệt, pin năng lượng Mặt trời và đặc biệt là củi, khi rừng bao phủ tới 75% diện tích nước này.
Chuyên gia phân tích khí đốt châu Âu Graham Freedman thuộc Tổ chức Wood Mackenzie cho rằng, hiện trên thế giới không có đủ nguồn cung để lấp đầy khoảng trống khí đốt của Nga. Các dự án LNG mới để tăng nguồn cung dự kiến sẽ không thể đi vào hoạt động trước năm 2025. Điều này có nghĩa là người châu Âu sẽ phải thích nghi với những ngôi nhà chỉ được sưởi ấm ở mức 18oC trong thời gian dài.