Giao thông rối loạn
Theo Trung tâm Dịch vụ thời tiết Đức (DWD), nhiệt độ cao nhất tại Đức được ghi nhận lên đến mức cao kỷ lục là 42,6°C tại thị trấn Lingen thuộc bang Niedersachsen, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân. Nguy cơ đuối nước tại Đức cũng tăng cao, vì nhu cầu tắm tại các sông, hồ của người dân tăng mạnh. Giới chuyên gia thời tiết nước này cảnh báo, chất lượng cơ sở hạ tầng nhiều khả năng bị nắng nóng gây ảnh hưởng do mặt đường trải thảm nhựa trở nên mềm hơn, có nguy cơ xảy ra tai nạn khi các xe di chuyển với tốc độ cao.
Ở Bỉ, nhiệt độ lên tới 40,2°C tại thành phố Liege, miền Đông nước này. Đây là mức nhiệt cao kỷ lục kể từ khi Bỉ bắt đầu ghi nhận nhiệt độ năm 1833. Do nhiệt độ tăng mạnh, Viện Khí tượng Hoàng gia Bỉ đã ban hành cảnh báo đỏ đối với hầu hết các vùng ở nước này, ngoại trừ bờ biển North Sea cho đến ngày 26-7. Nhiều tuyến đường sắt của Bỉ rơi vào tình trạng rối loạn do nắng nóng gây ra. Cơ quan Đường sắt của Bỉ dự kiến tạm ngừng không khai thác các đoàn tàu chạy dầu diesel tại vùng Đông Bắc gần biên giới Hà Lan do lo ngại nhiệt độ cao có thể gây ra những sự cố kỹ thuật. Các tàu chạy điện sẽ được tăng cường nhiều nhất có thể để thay thế.
Còn tại Anh, mức nhiệt trung bình đo tại Cambridge đã lên tới 37,7°C. Ở Hà Lan, nhiệt độ lên tới 40,4°C, mức cao kỷ lục kể từ năm 1944 cho đến nay.
Tại Pháp, 1/3 vùng Đông Bắc nước này, trong đó có thủ đô Paris, đang đặt trong mức báo động đỏ, tức là mức cao nhất, một hiện tượng chưa từng thấy tại Pháp. Mức nhiệt cao nhất ghi nhận ở Pháp hiện là 42,6°C. Cơ quan dự báo thời tiết của Pháp cho biết vào cuối tuần này mức nhiệt sẽ giảm xuống nếu trời mưa. Công ty Đường sắt Pháp khuyến cáo người dân những vùng báo động đỏ tránh di chuyển từ ngày 25-7. Trang web dự báo thời tiết Météo France bị tê liệt một phần vì lượng truy cập quá lớn.
Hỗ trợ nông dân đối phó hạn hán
Trong bối cảnh châu Âu đang vất vả chống chọi với nắng nóng, Ủy ban châu Âu (EC) quyết định đưa ra chính sách hỗ trợ bổ sung cho nông dân đang đối mặt với nạn hạn hán. Ngoài các biện pháp hỗ trợ đã có theo Chính sách nông nghiệp chung (CAP), EC công bố 2 quyết định mới trong mục tiêu trợ giúp những người làm nông nghiệp. Theo đó, nông dân sẽ được ứng trước nhiều hơn cho các khoản chi trực tiếp và những khoản thanh toán cho mục đích phát triển nông thôn. Số tiền ứng trước có thể lên đến 70% đối với các khoản chi trực tiếp và lên tới 85% đối với các khoản thanh toán liên quan đến phát triển nông thôn. Quyết định trên bắt đầu có hiệu lực từ giữa tháng 10 tới nhằm hỗ trợ vốn cho người nông dân
Ngoài hỗ trợ vốn, những người chăn nuôi gia súc còn được tạo điều kiện linh hoạt tối đa trong sử dụng đất, kể cả những nơi vốn bình thường không được sử dụng cho mục đích sản xuất. Việc giảm nhẹ một số tiêu chí về phủ xanh đất trồng cũng sẽ được đưa ra. Điều này được áp dụng trong mục đích đa dạng hóa cây trồng cũng như tại các khu vực phục hồi sinh thái cho đất hoang hóa. Việc áp dụng các biện pháp miễn trừ phủ xanh khác cũng có thể được xem xét trong mục đích tạo điều kiện các hộ nông dân được linh hoạt hơn trong vấn đề sản xuất thức ăn thô cho gia súc. Cùng với việc liên tục đánh giá và phân tích tình hình hạn hán thông qua hệ thống vệ tinh châu Âu, EC đã liên hệ với tất cả các quốc gia thành viên để cập nhật về những hậu quả do hạn hán gây ra đối với nông dân.