Giới quan sát nhận định, tuy không nêu tên Trung Quốc nhưng ai cũng hiểu rằng Berlin muốn bảo vệ các doanh nghiệp của Đức trước sự “thèm khát” của Bắc Kinh.
Phòng thân, quản lý chặt
Tốc độ mua lại doanh nghiệp Đức của các đối tác đến từ Trung Quốc tăng vọt. Nếu như năm 2006, chỉ có 1 doanh nghiệp duy nhất lọt vào tay công ty đến từ châu Á thì năm 2016 con số này tổng cộng là 58, với tổng số tiền 11,6 tỷ EUR (nhiều hơn 19 doanh nghiệp so với năm 2015). Trường hợp Công ty sản xuất robot công nghiệp Kuka, một doanh nghiệp được coi là chiến lược, bị tập đoàn Trung Quốc Midea mua lại hồi năm ngoái với giá 4,4 tỷ EUR, là một kinh nghiệm cay đắng đối với Đức. Trong thương vụ này, Berlin đã không kịp trở tay.
Bất chấp chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Đức mới đây, với khuyến nghị một thỏa thuận đầu tư giữa châu Âu và Đức, Berlin vẫn quyết định phòng thân. Kể từ nay, các tập đoàn ở ngoài Liên minh châu Âu (EU) khi mua lại hơn 25% giá trị một doanh nghiệp Đức sẽ phải chờ 4 tháng. Đây là thời hạn xem xét đề nghị. Các lĩnh vực được coi là trọng điểm sẽ bao gồm thêm ngành điện, nhà máy hạt nhân, hệ thống cung ứng nước, mạng lưới viễn thông, bệnh viện hay sân bay.
Đầu năm nay, Pháp, Đức và Italia đã yêu cầu Hội đồng châu Âu xem xét lại quy định về đầu tư nước ngoài vào EU với lý do quan ngại kiến thức kỹ thuật đang bị rò rỉ ra nước ngoài. Trong bức thư ngỏ chung gửi Ủy viên Thương mại EU Cecelia Malmstrom, Bộ trưởng Kinh tế Pháp, Đức và Bộ trưởng Công nghiệp Italia bày tỏ sự lo lắng trước việc ngày càng có nhiều nhà đầu tư ngoài EU thâu tóm công nghệ của châu Âu vì các mục đích chiến lược của quốc gia họ. Trong khi đó, giới đầu tư châu Âu lại thường gặp phải những rào cản khi tìm cách đầu tư ra các nước bên ngoài.
Pháp, Đức và Italia đề nghị Hội đồng châu Âu nên cân nhắc đến việc các nước thành viên EU có thể thẳng thừng ngăn cản một nhà đầu tư nước ngoài nào đó hoặc đặt điều kiện buộc họ phải tuân thủ. Bộ trưởng của 3 nền kinh tế lớn nhất EU nhấn mạnh: “Luật lệ châu Âu cho phép các nước thành viên cấm các nguồn đầu tư nước ngoài có thể đe dọa an ninh và trật tự công cộng, điều cần thiết bây giờ là có thêm sự bảo vệ dựa trên các phạm trù kinh tế”.
Bức thư cũng đơn cử các trường hợp đặc biệt mà các công ty EU buộc phải lập các liên doanh địa phương và trường hợp các nước cấm hoàn toàn giới đầu tư nước ngoài không được nhúng tay làm ăn trong một số lĩnh vực nhất định. Pháp lâu nay có chính sách rà soát và có thể chặn các công ty nước ngoài mua lại các doanh nghiệp của Pháp dưới một số điều kiện nhất định.
Xung đột lợi ích
Phản ứng trước quyết định của chính phủ, Stefan Mair, thành viên của Ban quản trị Hiệp hội giới chủ Đức (BDI), cho rằng việc siết chặt quản lý đồng nghĩa với gia tăng ngăn chặn đầu tư. “Chúng tôi muốn Chính phủ Đức cho quốc tế thấy đây là quốc gia luôn rộng cửa cho nhà đầu tư nước ngoài”, ông Stefan nói. Đại diện của nhiều ngân hàng cũng bày tỏ quan ngại về quyết định của Chính phủ Đức. Alexander Mayer, đối tác của Ngân hàng Goldman Sachs, nhận định quy định mới của Đức sẽ bổ sung thêm sự phức tạp đối với các giao dịch xuyên biên giới. Nước Đức sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn.
Quyết định trên không chỉ gây chia rẽ nội bộ nước Đức mà còn cả ở cấp độ quốc gia tại châu Âu. Nếu như Đức, Pháp, Italia và giờ là thêm Anh, Hà Lan lo ngại nguy cơ Trung Quốc, thì một số nước như Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha, vốn ít có các doanh nghiệp công nghệ cao, sợ rằng việc siết chặt thủ tục sẽ ngăn cản đầu tư nước ngoài. Tại Hội nghị thượng đỉnh EU cuối tháng 6 vừa qua, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phản đối gay gắt làn sóng đầu tư của Trung Quốc, các quốc gia như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp đã phản ứng ra mặt và khẳng định họ không quay lưng với tiền của Trung Quốc.
Ngày 13-7 vừa qua, trong cuộc gặp giữa Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Chủ tịch Quốc hội) Trương Đức Giang và Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa ở Bắc Kinh, cả hai bên cùng cam kết thúc đẩy hợp tác song phương “mang đến lợi ích chung”, trong đó có Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Trước đó, đầu tháng 7, hãng Reuters đưa tin Bồ Đào Nha đang tính xây dựng quan hệ kinh tế và văn hóa chặt chẽ với Trung Quốc bằng cách trở thành quốc gia đầu tiên trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) vay Trung Quốc thông qua thị trường trái phiếu Chính phủ Trung Quốc trị giá 9.500 tỷ USD, một động thái hứa hẹn mở đường cho nhiều chính phủ châu Âu khác đi theo.
Hy Lạp, quốc gia đang khốn khổ vì nợ nần của châu Âu, lại càng khó buông bỏ “bình sữa” Trung Quốc. Trên bến cảng Piraeus, hải cảng lớn nhất Hy Lạp, bóng dáng cồng kềnh của những chiếc tàu hàng mang dấu hiệu Công ty Vận tải biển Trung Quốc (Cosco) là biểu tượng cho sự hiện diện của Bắc Kinh. Từ năm 2008, Cosco thông qua chi nhánh Piraeus Container Terminal (PCT), được chuyển nhượng quyền quản lý 2 cảng hàng hóa của cảng Piraeus. Đến giữa năm 2016, Cosco đã được phép mua lại 51% phần vốn do nhà nước Hy Lạp sở hữu trong Công ty cảng Piraeus với giá 316 triệu USD và thêm 16% cổ phần nữa trong 5 năm tới với giá 99 triệu USD. Việc kiểm soát toàn bộ hoạt động cảng biển Piraeus của Hy Lạp đã giúp Trung Quốc sở hữu một trong những cửa ngõ vào châu Âu cũng như chiến lược dùng Hy Lạp làm bàn đạp để tiến vào lục địa già.
Trên thực tế, ngay cả Italia, vốn đã thực sự thức tỉnh sau vụ để rơi công ty sản xuất vỏ xe danh tiếng Pirelli vào tay công ty Trung Quốc và phản đối đầu tư từ ông lớn châu Á, cũng phải thừa nhận khó có thể đóng cửa thương mại với Trung Quốc. Thực tế, Đức, Pháp, Anh và nhiều nền kinh tế của khác của châu Âu đang ở tình thế khó xử giữa bảo vệ các ngành công nghiệp chiến lược và hút đầu tư nước ngoài duy trì sự ổn định của nền kinh tế .