Nỗi lo từ phần tử cực đoan
Theo người đứng đầu Cục Cảnh sát hình sự Liên bang Đức (BKA) Holger Muench, Đức đang phải đối mặt với nguy cơ ngày càng gia tăng từ các nhóm khủng bố và các nhóm cực đoan cánh hữu.
Ông Holger Muench cảnh báo, số lượng các tổ chức theo chủ nghĩa cực đoan và các hành vi phạm tội, bạo lực do những nhóm này gây ra đã gia tăng đáng kể trong vài năm trở lại đây. BKA nhận thấy rõ nguy cơ các nhóm cực đoan này có thể hình thành các cấu trúc mới, thậm chí là các nhóm khủng bố với mục tiêu thực hiện các vụ tấn công nhằm vào những trung tâm tị nạn và nhà thờ Hồi giáo. Cơ quan an ninh của Đức đang áp dụng chiến lược mới nhằm phá vỡ cấu trúc này sớm nhất có thể trước khi các nhóm cực đoan chuyển hóa thành các tổ chức khủng bố. BKA đã phân loại 41 đối tượng cực đoan cánh hữu vào nhóm những kẻ khủng bố tiềm năng và bị đặt dưới sự giám sát của cơ quan này. Ngoài ra, BKA cũng đang tiến hành giám sát 112 đối tượng cực đoan khác do nghi ngờ thực hiện hoạt động hỗ trợ cho các nhóm cực hữu có xu hướng bạo lực.
Trong những năm gần đây, tư tưởng bài ngoại và chống người nhập cư theo tuyên truyền của các nhóm phát xít mới và đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đang ngày một gia tăng tại Đức.
Thống kê của Chính phủ Đức cho biết, trong năm 2018, cảnh sát ghi nhận có hơn 19.000 vụ phạm tội do các nhóm cực hữu gây ra, trong đó có khoảng 1.000 vụ tấn công bạo lực nhằm vào người nước ngoài, người nhập cư và các đối thủ chính trị, khiến gần 500 người bị thương.
Ở Pháp, lực lượng an ninh đang cảnh giác trước âm mưu tấn công khủng bố tại các trại giam giam giữ các phần tử có tư tưởng cực đoan. Trong những tháng gần đây, đã có 2 vụ tấn công nhân viên an ninh tại nhà tù ở Tây Bắc nước Pháp. Thủ phạm là 1 tù nhân bị kết án khủng bố và 1 phần tử cực đoan.
Các vụ việc cho thấy những khó khăn trong việc ngăn chặn các rủi ro đến từ tù nhân có tư tưởng thánh chiến. Hiện có khoảng 71.000 tù nhân bị giam giữ tại Pháp, trong đó khoảng 500 người đang chờ xét xử hoặc đã bị kết án vì các hành vi khủng bố có yếu tố Hồi giáo cực đoan.
IS vẫn là nhóm khủng bố nguy hiểm nhất
Trong khi đó, theo báo cáo do Liên hiệp quốc công bố, châu Âu cần cảnh giác trước nguy cơ tấn công khủng bố do các phần tử IS thực hiện vào cuối năm nay. Thống kê cho thấy, có khoảng 30.000 người nước ngoài đã di chuyển tới các “sào huyệt” của những lực lượng Hồi giáo cực đoan để gia nhập tổ chức khủng bố.
Một số người có thể đã gia nhập mạng lưới Al-Qaeda hoặc các tổ chức khủng bố mới được thành lập. Một số người đã trở thành thủ lĩnh của những mạng lưới này hoặc trở thành những người có tư tưởng cực đoan.
Các quốc gia châu Âu ước tính, có khoảng 6.000 công dân đã tới Iraq và Syria để gia nhập IS và các nhóm cực đoan khác. Khoảng 1/3 trong số này đã bị tiêu diệt, 1/3 đang bị bắt giữ hoặc đã rời đi nơi khác. Ngay khi bị đẩy lùi từ năm 2018, tổ chức này đã áp dụng trở lại chiến thuật rút vào hoạt động bí mật để chờ thời. Khoảng 2.000 người còn lại có thể đã quay trở lại châu Âu, trở thành mối đe dọa lớn về an ninh.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, hiện IS vẫn có khả năng tiếp cận nguồn tài chính ước tính khoảng từ 50 triệu - 300 triệu USD và tiếp tục sử dụng các chương trình tuyên truyền để duy trì vị trí là nhóm khủng bố hàng đầu trên thế giới.