Để thúc đẩy người dân chuyển đổi phương tiện đi lại sang xe điện, bắt đầu từ ngày 22-2, thủ đô Seoul của Hàn Quốc sẽ tiếp nhận lần lượt đơn xin trợ cấp kinh phí mua xe tải điện trực tuyến, sau đó đến ô tô con chạy điện và xe buýt điện. Chính quyền sẽ trợ giá cho những khách hàng mua xe điện, với số lượng khoảng 14.200 xe trong nửa đầu năm 2022 và theo kế hoạch là 27.000 xe trong cả năm.
Người mua xe ô tô điện chở khách sẽ được hỗ trợ tối đa 9 triệu won (7.520USD); người mua xe tải điện sẽ được trợ giá từ 9 triệu won đến 27 triệu won. Các xe có giá trên 85 triệu won sẽ không được hỗ trợ.
Thực tế, từ năm 2009 đến năm 2021, thành phố Seoul đã cung cấp 52.400 xe điện nhằm nỗ lực giảm thiểu bụi mịn và khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Dự kiến, tổng số xe điện được chính quyền Seoul đưa vào sử dụng sẽ vượt 80.000 chiếc vào cuối năm 2022.
Để đạt được mục tiêu đó, chính quyền ước tính nguồn cung xe điện hai bánh, taxi điện và xe điện đưa đón trẻ em dự kiến tăng lần lượt gấp 1,4 lần, 4,8 lần và 2,5 lần trong năm 2022. Tính đến cuối năm 2021, số lượng xe điện đăng ký mới ở Seoul là 40.564 xe, đánh dấu mức tăng 73,4% so với một năm trước đó, trong khi số xe chạy dầu diesel và khí hóa lỏng (LPG) tại thành phố này đã giảm lần lượt 2,1% và 5,2 %.
Ngày 15-2, chính phủ Thái Lan đã thông qua kiến nghị ưu đãi đầu tư đối với lĩnh vực phát triển EV do Ủy ban Chính sách xe điện quốc gia Thái Lan trình lên. Theo Bangkok Post, gói hỗ trợ (2022-2025) này bao gồm chương trình cắt giảm thuế và trợ cấp để thúc đẩy kế hoạch phát triển EV của Thái Lan.
Trong 2 năm đầu, các biện pháp sẽ tập trung giảm thuế và trợ giá cho các mẫu xe điện nhập khẩu và các mẫu xe sản xuất trong nước. Thứ trưởng Tài chính Thái Lan Santi Promphat nhận định, gói này sẽ giúp giảm giá của mỗi chiếc EV từ 70.000 baht (2.165USD) đến 150.000 baht (4.638USD) đối với xe điện cỡ lớn và hàng chục ngàn baht đối với xe điện cỡ nhỏ. Vào những năm còn lại, gói hỗ trợ chủ yếu sẽ dành cho việc thúc đẩy xe điện sản xuất trong nước, đồng thời hủy bỏ một số lợi ích đối với các mẫu xe nhập khẩu.
Với Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới, nơi quá trình đô thị hóa ở các thành phố cấp hai và cấp ba diễn ra nhanh chóng, thì chiến lược phát triển xe điện đang được các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài quan tâm. Về giao thông công cộng, thành phố Jakarta và Bali đã xác định được nhu cầu về xe buýt điện lần lượt là 10.000 và 200.
Trong khi đó, thành phố Bandung và Surabaya sẽ sớm triển khai dự án thử nghiệm xe buýt điện. 10.000 trạm sạc xe điện cũng sẽ được xây dựng vào năm 2030. Việc chuyển đổi sang sử dụng xe điện trong trung hạn sẽ góp phần giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và hạn chế tác động của các cuộc khủng hoảng giá nhiên liệu.
Chính phủ Indonesia đã đặt ra một số quy định, bao gồm lộ trình của EV và khả năng tăng tốc pin, trạm sạc, nhập khẩu, thuế và các ưu đãi. Trong khi pin vẫn là một thành phần đắt tiền để sản xuất xe điện, Tập đoàn pin Indonesia đang chuẩn bị một kế hoạch đầy tham vọng để trở thành một chuỗi cung ứng toàn cầu từ sản xuất pin tại địa phương.