Tình hình rất nghiêm trọng
Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) ngày 31-10 cảnh báo hàng chục triệu người ở khu vực miền Nam châu Phi sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng trong 6 tháng tới. Hiện hơn 11 triệu người ở 9 quốc gia miền Nam châu Phi đang trong tình trạng mất an ninh lương thực ở mức khủng hoảng hoặc khẩn cấp. Trong đó có 6 nước được dự báo sẽ bị tác động mạnh nhất của các điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong những năm tới, gồm: CHDC Congo, Malawi, Mozambique, Tanzania, Zambia và Zimbabwe.
Theo số liệu mới nhất của Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC), tổng lượng mưa tại các quốc gia thuộc SADC trong mùa vụ 2018-2019 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1982 và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh kế cũng như cuộc sống của hàng chục triệu người dân tại khu vực này. Lượng mưa thấp kỷ lục trong mùa vụ từ tháng 10-2018 đến tháng 3-2019 đã thu hẹp đáng kể diện tích trồng trọt, kìm hãm quá trình nảy mầm và sinh trưởng của các loại cây nông nghiệp. Khủng hoảng lương thực còn lan sang cả Vành đai khô hạn Trung Mỹ gồm vùng rừng và ven rừng nhiệt đới khô, kéo dài từ bờ biển Thái Bình Dương của Mexico tới tận miền Tây của Panama ở cực Nam khu vực Trung Mỹ.
Châu Á cũng chịu chung ảnh hưởng. Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cảnh báo, giá ngũ cốc có thể tăng vọt tới 23% vào năm 2050 vì biến đổi khí hậu. Điều này sẽ ảnh hưởng tới người nghèo và rủi ro rất nghiêm trọng tại các vùng của châu Á.
Hy vọng vào công nghệ
Các vùng trồng lúa phía Bắc, Đông Bắc Thái Lan đang hứng chịu đợt hạn hán kéo dài sau đó là những cơn mưa và lũ lụt lớn trong năm nay. Theo Nikkei Asia Review, lũ lụt được cho là đã gây thiệt hại kinh tế khoảng 20-25 tỷ baht (tương đương 657-821 triệu USD) và khiến sản lượng giảm 100.000 tấn, tương đương 8% xuất khẩu gạo Thái Lan. Ấn Độ, một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, cũng bị hạn hán trong năm nay. Australia, nhà xuất khẩu lúa mì lớn, lần đầu tiên nhập khẩu ngũ cốc trong 12 năm do thiếu nước.
Trước tình hình này, chính phủ các nước châu Á đẩy mạnh khai thác các công nghệ mới giúp tăng tính cạnh tranh lẫn hợp tác để đảm bảo an ninh lương thực cho người dân. Tỉnh Toyama, Nhật Bản, nhận ra mối đe dọa này từ năm 2012, thời điểm địa phương ghi nhận vụ thu hoạch gạo tệ nhất trong lịch sử. Nhiệt độ tăng được cho là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Viện Nghiên cứu nông nghiệp Toyama đã nghiên cứu một giống lúa mới có thể sống sót trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng và mưa lớn. Kết quả của cuộc nghiên cứu là giống lúa với tên gọi Fufufu, được phát triển dựa trên 5 loại giống có nhiều đặc điểm nổi trội về chịu nhiệt và kháng bệnh.
Trong khi đó, Singapore đưa ra một loạt dự án thực phẩm, gồm cả Công viên Đổi mới thực phẩm nông nghiệp, rộng 18ha, sẽ được sử dụng cho canh tác công nghệ cao cùng với nghiên cứu và phát triển. Ngay cả các trang trại côn trùng cũng có trong danh sách. Sustenir nông nghiệp, một công ty nông nghiệp dọc của Singapore, đã trồng thành công cây dâu tây trong phòng thí nghiệm và đang bán sản phẩm thông qua siêu thị trực tuyến RedMart. Singapore tích cực tìm cách đa dạng hóa hoạt động mua sắm, mở rộng nguồn nhập khẩu tới 180 quốc gia…