Châu Á: Động lực phục hồi kinh tế toàn cầu

Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2021 đang diễn ra tại đảo Hải Nam, Trung Quốc vừa công bố bản báo cáo kinh tế, đánh giá châu Á là động lực chính cho quá trình phục hồi bền vững của kinh tế toàn cầu. Báo cáo nhấn mạnh, bức tranh kinh tế châu Á vẫn có nhiều điểm sáng với tỷ lệ tăng trưởng phục hồi nhanh hơn so với các khu vực khác.
Diễn đàn châu Á Bác Ngao thu hút sự quan tâm của khu vực và thế giới
Diễn đàn châu Á Bác Ngao thu hút sự quan tâm của khu vực và thế giới

Vai trò đầu tàu

Trong báo cáo, BFA dẫn dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á trong năm 2021 có thể đạt ít nhất 6,5%, phục hồi đáng kể so với mức giảm 1,7% của năm ngoái. Riêng khu vực Nam Á sẽ chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất châu lục với 9,7%, trong khi khu vực Đông Á ghi nhận mức tăng trưởng 6,5%. Các biện pháp chống dịch Covid-19 hiệu quả cũng như hoạt động sản xuất được khôi phục ở Trung Quốc và Hàn Quốc nằm trong số những yếu tố chính dẫn đến triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực của châu Á trong năm nay. Các nền kinh tế châu Á đã đưa ra nhiều sáng kiến thúc đẩy nền kinh tế số, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kỹ thuật số... BFA cũng cho rằng, tiến trình hội nhập của các thị trường tài chính châu Á được duy trì ổn định. Trong bối cảnh hệ thống thương mại thế giới đối mặt với các rào cản ngày càng tăng, châu Á vẫn cho thấy tiềm năng kinh tế đầy hứa hẹn và dự kiến trở thành khối hợp tác khu vực lớn nhất thế giới.

BFA nhận định, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các quốc gia châu Á đã bằng mọi cách tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe, ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu và dẫn đầu sự phục hồi thương mại và đầu tư. Báo cáo kêu gọi châu Á đóng vai trò đầu tàu trong đảm bảo sự phục hồi bền vững trên toàn cầu, nhất là những nước đã thoát khỏi Covid-19 cần tăng cường hỗ trợ các nước láng giềng; nỗ lực phối hợp để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, qua đó tạo điều kiện mở cửa lại biên giới, cho phép hoạt động đi lại diễn ra bình thường.

Khối hợp tác khu vực lớn nhất thế giới

Nhận định của BFA nhận được sự đánh giá cao của các đại diện tham gia diễn đàn. Theo các chuyên gia, trong thời điểm khó khăn này, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã chứng tỏ là một hình mẫu về chủ nghĩa đa phương thông qua việc đạt được các thỏa thuận lịch sử như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết vào tháng 11 năm ngoái, lần đầu quy tụ các nền kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Diễn ra vào thời điểm các nước châu Á đang chạy đua phục hồi tăng trưởng, BFA 2021 thu hút sự quan tâm của khu vực và thế giới. Nhân kỷ niệm 20 năm ra đời, diễn đàn đưa ra chủ đề “Một thế giới thay đổi: Chung tay tăng cường quản trị toàn cầu”. Đây là cơ hội cho các nhà lãnh đạo châu Á chia sẻ quan điểm, tìm ra giải pháp cụ thể cho các vấn đề đương đại đang gây nhức nhối trên thế giới. Chủ đề năm nay mang thông điệp rõ ràng về sự thừa nhận bối cảnh kinh tế, chính trị và xã hội đang thay đổi, trong đó mỗi bên liên quan cần có hành động can đảm để tăng mức độ hợp tác, xóa bỏ các rào cản còn lại vẫn chia cắt các quốc gia. Trong bối cảnh hệ thống thương mại thế giới đối mặt với các rào cản ngày càng tăng, châu Á vẫn cho thấy tiềm năng kinh tế đầy hứa hẹn và dự kiến trở thành khối hợp tác khu vực lớn nhất thế giới.

Kéo dài đến ngày 21-4, BFA 2021 là diễn đàn quốc tế quy mô lớn đầu tiên trên thế giới trong năm nay được tổ chức chủ yếu dưới hình thức trực tiếp sau khi không tổ chức vào năm 2020 do dịch Covid-19. Hơn 2.600 đại biểu gồm quan chức chính phủ, doanh nghiệp và chuyên gia đến từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng thảo luận về vai trò ngày càng sâu sắc hơn của các nền kinh tế mới nổi trong sự phát triển của thế giới. Khoảng 4.000 đại biểu đăng ký tham gia trực tuyến các phiên thảo luận của diễn đàn được ví như “Diễn đàn kinh tế Davos của châu Á” này.

Tin cùng chuyên mục