Tự động hóa nông nghiệp
Theo tờ Nikkei, hiện tại là thời điểm chuyển đổi căn bản cho nền nông nghiệp châu Á do diện tích đất nông nghiệp hạn chế; không đủ nước tưới do biến đổi khí hậu.
Trong vài năm gần đây, Nhật Bản là một trong những quốc gia hàng đầu trong khu vực sử dụng công nghệ cao và tự động hóa trong lĩnh vực nông nghiệp. Do thiếu hụt lực lượng lao động làm nông nên việc đẩy mạnh tự động hóa trong nông nghiệp của Nhật Bản đang trở thành nhu cầu bức thiết. Thống kê gần đây cho thấy, lực lượng lao động trong nông nghiệp của Nhật Bản đã giảm xuống 8% so với năm ngoái, dừng ở mức 1,92 triệu người.
Trang trại sản xuất rau diếp bằng hệ thống tự động ở Nhật Bản
Trong khi độ tuổi trung bình trong sản xuất nông nghiệp ở Nhật Bản là 67 tuổi. Số liệu từ Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho thấy, diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang ở Nhật Bản đã tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua, lên đến mức hơn 400.000ha vì ngày càng có nhiều nông dân Nhật Bản đến tuổi nghỉ ngơi. Tình trạng khan hiếm lực lượng lao động trẻ tham gia sản xuất nông nghiệp làm dấy lên lo ngại Nhật Bản ngày càng phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu.
Nắm bắt được nhu cầu tự động hóa trong nông nghiệp, Công ty Kubota ở Nhật Bản đã phát triển mô hình mẫu máy kéo tự động đầu tiên để sử dụng trong sản xuất lúa gạo. Được trang bị hệ thống định vị toàn cầu (GPS), máy kéo này có thể tự trồng lúa và bón phân sau khi kiểm tra các điều kiện đất đai.
Công ty Iseki & Co. và Công ty Yanmar Co. cũng đang phát triển các máy kéo và máy gặt tự động. Trong năm nay, Công ty nông nghiệp Nhật Bản Spread đã đưa vào hoạt động nông trại tự động đầu tiên trên thế giới tại TP Kameoka, tỉnh Kyoto. Đây là trang trại sản xuất rau diếp và các robot tại trang trại sẽ làm tất cả mọi công việc từ trồng cây cho đến tưới nước và thu hoạch.
Ông JJ Price, Giám đốc tiếp thị toàn cầu của Spread, cho biết chỉ có việc gieo hạt sẽ vẫn do con người đảm nhiệm, còn lại mọi thao tác khác, từ cấy cho đến thu hoạch, sẽ đều được thực hiện tự động.
Sản phẩm rau diếp từ nông trại tự động ở Kameoka đang được phân phối cho 2.000 siêu thị trên toàn nước Nhật và đã được đưa vào sử dụng trong các chuyến bay hàng không dân dụng. Cũng trong năm nay, Spread sẽ tiếp tục đưa một trang trại tự động mới đi vào hoạt động ở TP Khoa học Kansai, nằm ở khu vực tiếp giáp các tỉnh Kyoto, Nara và Osaka.
Đầu tư hấp dẫn
Theo chuyên gia Noboru Noguchi của Đại học Hokkaido (Nhật Bản), việc tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp sẽ thu hút thêm một lực lượng lao động mới vốn cho rằng nghề nông là nghề kém hấp dẫn nhất hiện nay. Câu chuyện làm nông thế hệ mới ở Hàn Quốc đã phần nào minh chứng cho điều này. Ở xứ kim chi, phong trào thanh niên tự nguyện về làng quê lập nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp đã thổi luồng sinh khí mới ở khu vực nông thôn.
Để nông thôn trở thành điểm đến hấp dẫn trong đầu tư, các cơ quan chức năng Hàn Quốc đã làm việc với những công ty công nghệ thông tin hàng đầu, đặt hàng các công nghệ thông minh như trí tuệ nhân tạo (AI), robot và internet kết nối vạn vật - Internet of Things (IoT) để nâng cấp hạ tầng và quy trình sản xuất nông nghiệp. SK Telecom Co. đã giới thiệu hệ thống quản lý dựa trên AI cho hệ thống nhà kính ở Sejong, phía Nam Seoul, cùng các khóa đào tạo về công nghệ nông nghiệp thông minh.
Sử dụng máy bay không người lái trong nông nghiệp
ở Hàn Quốc
ở Hàn Quốc
Hệ thống đã giúp kết hợp với các kỹ năng IoT cho phép người nông dân dễ dàng kiểm soát độ ẩm, nhiệt độ và ánh sáng thông qua một thiết bị di động từ xa. Toàn bộ quy trình này, từ sản xuất tới phân phối sản phẩm và bán lẻ đều có thể tích hợp trong các dịch vụ dựa trên dữ liệu lớn.
Những công việc lặp đi lặp lại như thu hoạch các sản phẩm nông sản đã có các robot hỗ trợ, trong khi việc tưới cây, theo dõi quá trình sinh trưởng và lượng phân bón cần thiết đã có các thiết bị cảm ứng đảm nhiệm. Trong khi đó, máy bay không người lái có thể hỗ trợ việc giao hàng và phun thuốc trừ sâu.
Tại khu vực Đông Nam Á, công ty khởi nghiệp của Singapore Garuda Robotics đang sử dụng máy bay không người lái để hỗ trợ nông dân tăng năng suất.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Philippines cũng đang sử dụng dữ liệu vệ tinh để nghiên cứu về nông nghiệp thông minh. Malaysia đang áp dụng dữ liệu và công nghệ cảm biến trong nông nghiệp. Nước này đặt mục tiêu tăng 20% năng suất lao động trong lĩnh vực này trong 5 năm tới.
Trung tâm Nghiên cứu và phát triển ICT của Malaysia (MIMOS) đã phát triển một nền tảng IoT dùng để thu thập các dữ liệu về môi trường và chia sẻ cho các nhà cung cấp, các nhà sản xuất, buôn bán trong lĩnh vực nông nghiệp.
Malaysia cũng đang thử nghiệm các thiết bị cảm biến trong các trang trại để theo dõi sức khỏe của cá trong các hồ nuôi cá giống và tự động hóa hoạt động tưới tiêu.
Nếu thiếu vốn để làm các trang trại thông minh, việc cài đặt những ứng dụng đơn giản đã phần nào hỗ trợ người nông dân trong hoạt động sản xuất.
Công ty khởi nghiệp Agribuddy của Nhật Bản có trụ sở tại Siem Reap, Campuchia, đã xây dựng một mạng lưới kết nối giữa những người nông dân tại các nước đang phát triển với nhà trung gian, nhà cung cấp và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ vào một ứng dụng trên điện thoại do công ty phát triển, những người nông dân có thể tính toán được thời điểm tốt nhất để trồng trọt dựa vào nhu cầu của thị trường. Chỉ bằng thao tác đơn giản là chụp hình lại những mảnh đất đang canh tác, họ có thể nhận được lời khuyên từ chuyên gia nông nghiệp.
Mô hình của Agribuddy giống như một hợp tác xã nông nghiệp, cho đến nay đã có 20.000 nông dân ở một số nước Đông Nam Á, Bangladesh và Ấn Độ đăng ký sử dụng ứng dụng này.
Ước tính, tới năm 2022, thị trường nông phẩm thông minh toàn cầu có thể đạt mức tăng trưởng trung bình 14%/năm, ở mức 18,4 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2016. Con số này cho thấy, tiềm năng tăng trưởng của ngành nông nghiệp thông minh là rất lớn. (Yonhap)