Một khuyết điểm của bộ máy chúng ta, là năng lực quản trị hệ thống hành chính - xã hội. Khi dịch bệnh tấn công ở diện rộng, lại ngấm sâu trong cộng đồng kéo theo nhiều hệ lụy nặng nề, phức tạp thì khả năng tổ chức, phối hợp ứng phó, xử lý vừa bộc lộ sự lỏng lẻo, manh mún vừa có sự chồng chéo, giẫm chân nhau.
Nhìn rộng ra, với Nghị quyết 128 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, tính cát cứ lộ diện khi nhiều địa phương vẫn “đóng cửa” hoặc lập “rào chắn” ngay cửa ngõ địa bàn tỉnh, hoặc ngang qua địa phận tỉnh. Ở phạm vi thành phố, là hiện tượng phân mảnh quyền lực theo chiều ngang - tức giữa các sở ban ngành với nhau và theo chiều dọc - tức giữa cấp thành phố, quận huyện và TP Thủ Đức; thiếu tính chủ động kết nối, phối hợp trong thực hiện chính sách và các chức năng nhiệm vụ được giao của từng cơ quan nhà nước…
Vì vậy, trong giai đoạn này, một trong những đòi hỏi quan trọng là phải cải tổ bộ máy quản trị công. Nên xem đây vừa là yêu cầu tất yếu vừa là thời điểm chín muồi để chuyển đổi, tái cấu trúc guồng máy vận hành - thực chất là cải tổ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong khu vực công - để thu hẹp khoảng cách giữa các yêu cầu của xã hội với chính quyền và khả năng chính quyền có thể đáp ứng các yêu cầu ấy thông qua việc đề ra những mục tiêu ưu tiên có chọn lọc, tổ chức vận hành, phục vụ đạt hiệu quả.
Sự cải cách này phải gắn liền với xu hướng công nghệ và quản trị dựa trên dữ liệu.
Những sai sót trong quá trình thu thập dữ liệu tiêm chủng, những tản mát trong tích hợp dữ liệu về xét nghiệm, dữ liệu F0 đã khỏi bệnh, F0 điều trị tại nhà, những trục trặc cả về dữ liệu lẫn kết nối phần mềm an sinh trong đợt dịch vừa qua đang được khắc phục.
Chắc chắn, cải cách mô hình quản trị công chỉ có thể hoàn tất khi đảm bảo kiện toàn một cách đồng bộ hai yếu tố then chốt là dữ liệu và công nghệ. Cần tính toán, thiết lập, ứng dụng cảm biến đám đông di động trong hệ sinh thái dữ liệu mở để mỗi người dân chủ động theo dõi, tự cảnh báo về các điểm báo động mức độ tụ tập dân cư, nguy cơ lây nhiễm, ùn tắc giao thông, ngập nước…, hoặc kiểm soát về các chính sách thụ hưởng an sinh. Trong quy trình quản trị này, bộ máy nguồn nhân lực cũ, nếu không muốn bị đào thải thì buộc phải chuyển đổi, nắm bắt, làm chủ công nghệ như thế nào là cả một sự tính toán, đầu tư, sử dụng.
Nhìn lại các kế hoạch phục hồi khẩn cấp, cần lưu ý rằng, đã là khẩn cấp thì cần có một cơ chế “đặc thù” theo kiểu: thí điểm, chủ động phân quyền cho một số địa phương, đơn vị trong một số lĩnh vực trọng yếu. Nếu thí điểm thành công sẽ cho phép mở rộng. Hay cơ chế đội đặc nhiệm cấp thành phố để thúc đẩy các vấn đề cần được tháo gỡ, xử lý nhanh chóng các “điểm nút” quyết định sự phục hồi. Đội đặc nhiệm nằm trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế (kiện toàn từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 trước đây) nhằm phát hiện, theo đuổi, xử lý vấn đề trọng tâm liên ngành.
Quan điểm quản lý trong giai đoạn mới cần tập trung đánh giá yếu tố đầu ra và kết quả công việc, phải lượng hóa, đo lường các tiêu chuẩn, chỉ số hiệu quả của các nhiệm vụ được giao (thay vì chỉ thiên về đánh giá các yếu tố đầu vào, cũng như quy trình, thủ tục). Thậm chí, từ giai đoạn điều chỉnh - thích nghi sang giai đoạn tăng cường năng lực cải cách các cơ quan nhà nước và tổ chức công lập, chính quyền thành phố sẽ chỉ nên tập trung vào những ưu tiên mang tính cốt lõi, khắc phục “sự thất bại” của thị trường. Phát huy mạnh mẽ các nguồn lực từ xã hội, từ khu vực tư nhân để giải quyết việc cung cấp các dịch vụ công và nhu cầu thiết yếu cho cộng đồng là xu thế đang “âm thầm” diễn ra. Đó cũng là nền tảng sức mạnh và xu hướng quan trọng cần thúc đẩy trong công cuộc tái thiết thành phố phát triển bền vững thời kỳ tới.