Trước đó, liên tiếp các cán bộ trong các cơ quan nhà nước, cả đương chức và về hưu cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, như vụ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội nhận hối lộ...
Trong nhiều vụ án, ở góc độ nào đó cho thấy cớ sự hình thành đến từ sự cấu kết trong - ngoài làm tha hóa tổ chức và con người trong bộ máy nhà nước. Tại hội nghị toàn quốc giao ban công tác kiểm tra, giám sát quý 1, lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định, sắp tới phải tiếp tục kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan vụ án tại Công ty Việt Á. Cùng với tuyên bố này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương lập các đoàn kiểm tra dấu hiệu vi phạm tại Học viện Quân y, Bộ KH-CN, Bộ Y tế và 8 ban cán sự Đảng UBND tỉnh, thành..., thì khả năng sẽ tiếp tục có không ít cán bộ, đảng viên tiếp tục bị kỷ luật, khởi tố, vì sự cấu kết trong - ngoài ấy.
Dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ với những quyết định mạnh tay từ các cơ quan Đảng, Nhà nước đối với việc làm trong sạch bộ máy cũng như đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Sự quyết tâm chính trị cao của Đảng mang lại kết quả xử lý hàng loạt cán bộ, đảng viên vi phạm thời gian qua là minh chứng sống động khẳng định rằng, cán bộ không thể “hạ cánh an toàn” hay không có cơ hội “củng cố đời con”, nếu đã “nhúng chàm” mà không sớm “tự gột rửa”.
Nhìn lại những nhiệm kỳ gần đây, nhất là từ sau Đại hội lần thứ XI của Đảng, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng với nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng cả cấp bách và lâu dài, với mục đích làm trong sạch đội ngũ. Việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng tiếp tục đi vào chiều sâu bằng những giải pháp cụ thể, cương quyết từ sau Đại hội lần thứ XII của Đảng, nhất là sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Kế đến, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện. Từ đó, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã ban hành nhiều kết luận, quy định quan trọng, mà đặc biệt là Kết luận số 21 và Quy định số 37.
Các nội dung của những quy định mới đã bao quát hơn, với những giải pháp, quy định mới được bổ sung phù hợp với thực tiễn, càng thể hiện rõ quyết tâm xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên vi phạm, suy thoái. Tất cả những quy định, giải pháp ấy đều hướng đến mục đích xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, việc Trung ương còn gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị; bổ sung thêm những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; nhận diện suy thoái rộng hơn, không chỉ ở tham nhũng mà còn ở tiêu cực càng khẳng định quyết tâm của Đảng trong việc chỉnh đốn Đảng và bộ máy.
Để đồng bộ giữa xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Kết luận 12 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực còn mở rộng phạm vi ở khối nhà nước và cả khối ngoài nhà nước. Đây là bước đi chắc chắn, nhằm chặt đứt những vòi bạch tuộc cấu kết trong - ngoài làm tha hóa tổ chức và con người trong bộ máy nhà nước.
Nhân dân kỳ vọng những quy định mới sẽ tạo chuyển hướng công tác xây dựng Đảng từ “phòng ngự” sang “phản công” mạnh mẽ. Bởi lẽ, xử lý nghiêm minh, kịp thời, triệt để, đồng bộ các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm cũng là nhiệm vụ rất quan trọng để củng cố niềm tin của nhân dân, góp phần giữ vững cơ đồ của Đảng, của dân tộc.